Tăng cường thanh tra, xử lý cơ sở vi phạm ATTP

Trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện thường xuyên liên tục. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn xuất hiện. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, xử lý cơ sở vi phạm VSATTP trên địa bàn.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc kinh doanh các sản phẩm thực phẩm tại chợ ASEAN (TP Móng Cái) tháng 5/2023. Ảnh: Minh Đức

Thông tin từ một số sở, ngành, địa phương cho thấy trong tháng 6, các lực lượng đã xử phạt 42 tổ chức, cá nhân vi phạm ATVSTP với tổng số 221 triệu đồng. Điển hình qua kiểm tra của ngành y tế phát hiện Công ty TNHH dịch vụ Beverly Hills (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cơ sở này đã bị xử phạt 25 triệu đồng. Hay vụ việc lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 14C-332.76 vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, qua đó xử phạt 17 triệu đồng...

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP, hiện toàn tỉnh có 47.360 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình. Thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cung cấp từ nhiều nguồn (trong tỉnh, ngoài tỉnh và thực phẩm nhập khẩu) nên việc kiểm soát gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, mặc dù đã tuyên truyền, vận động nhiều, nhưng vẫn có những cơ sở, cá nhân cố tình vi phạm về ATTP.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm nghiệm mẫu nước để đánh giá chất lượng ATTP.

Ngay từ đầu năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP và các địa phương đã chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các biện pháp giám sát đảm bảo ATTP theo phân công, phân cấp quản lý; đồng thời thực hiện nghiêm kế hoạch thanh, kiểm tra do tỉnh phê duyệt. Đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ATTP do Sở Y tế giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý trực liên tục 24/24 giờ.

Trong 6 tháng đầu năm, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã thực hiện kiểm tra 4.746 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; qua đó phát hiện, xử phạt hành chính 487 cơ sở với tổng số tiền xử phạt lên gần 3,494 tỷ đồng; trong đó kiểm tra theo kế hoạch 4.471 cơ sở, kiểm tra đột xuất 275 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về điều lệ ATTP, vi phạm về nhãn hàng hóa.

Cùng thanh, kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm; với các hội nghị, sự kiện lớn của tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện giám sát đảm bảo ATTP chặt chẽ. Riêng 6 tháng đầu năm, chi cục đã giám sát, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho các đại biểu tham dự 29 sự kiện, hội nghị tổ chức tại tỉnh với tổng số 10.930 suất ăn, kiểm nghiệm 668 mẫu thực phẩm, bao bì dụng cụ chứa thực phẩm sử dụng trong các hội nghị. Qua đó cho thấy các mẫu thực phẩm sử dụng phục vụ hội nghị đều đảm bảo an toàn.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP tại quán tạp hóa của bà La Thị Lồng (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu). Ảnh: Minh Đức

Về phía các đơn vị, địa phương trong 6 tháng đầu năm cũng đã thực hiện lẫy mẫu 9.383 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm để kiểm nghiệm, trong đó kiểm nghiệm nhanh 9.075 mẫu, còn lại là kiểm nghiệm định lượng. Những tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP do các địa phương, lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện đều được đăng tải công khai trên các hạ tầng do Trung tâm Truyền thông tỉnh quản lý.

Qua kiểm tra, giám sát, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy trên 20 tấn thực phẩm của hơn 100 tổ chức, cá nhân; trong đó một số loại thực phẩm có số lượng lớn như: Chả mực dạng viên, xúc xích làm từ thịt lợn, bột nấu chè trôi, nội tạng động vật...

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người mắc trở lên, tuy nhiên vẫn có 3 vụ ngộ độc thực phẩm (vụ ngộ độc thực phẩm với 3 người mắc xảy ra ngày 31/3/2023 ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn; vụ ngộ độc 8 người mắc ở thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô xảy ra ngày 14/4/2023 và vụ ngộ độc xảy ra ngày 7/6/2023 tại xã Tiền Phong, TX Quảng Yên với 2 người mắc). Điều đáng nói, cả 3 vụ ngộ độc này đều do ăn so biển. Bởi vậy, bên cạnh kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân về những loại động, thực vật trong tự nhiên chứa độc tố để phòng ngộ độc xảy ra trong mỗi gia đình.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 35778 Tổng lượt truy cập 91729730