Sau hơn 1 tháng thực hiện xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Chuyển biến ở Quảng Ninh

Cũng như cả nước, mặc dù mới hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng ý thức của người dân Quảng Ninh về việc không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã có những bước chuyển đáng kể. Điều này góp phần không nhỏ cho việc đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi thói quen xấu

Những năm trước, khi xuống hộ dân ở các thôn, bản của xã Quảng Sơn (Hải Hà), mở đầu câu chuyện với khách lúc nào cũng là chén rượu đầy do chủ nhà rót mời. Đối với phần lớn bà con nơi đây, hễ khách đến chơi, cạn chén rượu mới là thành ý, câu chuyện mới rôm rả. Thói quen tưởng chừng như đã ăn sâu vào gốc rễ ấy đã có sự thay đổi đáng kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Chíu Sán Phu, bản Lồ Mã Coọc, xã Quảng Sơn, vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2020, thay vì mời mọi người chén rượu như trước, ông rót chén nước trắng cười bảo: “Lát tôi phải xuống phố huyện có việc, uống rượu vào lại không đi được xe máy. Công an phạt nhiều tiền lắm, không có để trả đâu”.

Rồi ông cho biết: “Bây giờ đàn ông, thanh niên trong xã khi có việc đi ra thị trấn nếu tự đi bằng xe máy thì từ tối hôm trước đã không dám uống rượu, sợ khi thổi nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền, vì thế mà mọi nhà cũng ít uống rượu hẳn đi”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an TP Uông Bí tuyên truyền cho người tham gia giao thông về quy định xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: Mai Hương (Uông Bí)

Không chỉ với người dân ở Quảng Sơn, mà ý thức không uống rượu bia khi tham gia giao thông đã nhanh chóng hình thành ở khắp các vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Chị Trần Thị Trang, khu 4, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, cho biết: “Trước đây, mỗi buổi tối chồng tôi lái xe đi tụ tập cùng bạn bè, tôi lo lắm bởi có nhiều hôm say lướt khướt mà vẫn lái xe, chỉ sợ gây tai nạn giao thông. Nhưng từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, buổi chiều chồng tôi về sớm hẳn, ít la cà, tụ tập. Tối nếu có đi uống rượu cùng bạn bè thì bắt taxi đi, về nên tôi cũng thấy yên tâm hơn”.

Hỏi thăm nhiều quán hàng trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả... cho thấy, tình hình tiêu thụ rượu, bia cũng có giảm hơn kể từ khi có Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Điều đáng nói là phần lớn người dân đến ăn, uống tại quán, nếu có sử dụng rượu bia thì cũng không tự đi xe đến mà thường đi, về bằng taxi.

Điều này cũng góp phần giảm lượng xe ô tô con, xe máy đỗ tràn lòng đường ở những quán ăn, quán nhậu... vào những buổi chiều, tối... Mức xử phạt cao về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã khiến nhiều người dân nghiêm chỉnh chấp hành, thay đổi thói quen uống rượu bia bất kể khi nào dù ngay sau đó có điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay không.

Xử phạt nghiêm giúp thay đổi hành vi

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ,  đường sắt (Công an tỉnh), việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã được Công an tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện từ trước khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực.

Ngay từ giữa tháng 5/2019, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1586/KH-CAT-PC08 về tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý, vi phạm nồng độ cồn.

Theo đó, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) và công an các địa phương cũng đã thành lập các tổ tuần tra với đầy đủ trang thiết bị để kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý, nồng độ cồn; đồng thời sử dụng camera giám sát để ghi lại hoạt động trong công tác để xử lý tốt các tình huống phức tạp có thể xảy ra.

Công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng được đẩy mạnh góp phần giảm thiểu những tai nạn thương tâm xảy ra do lỗi người lái xe. Chính vì vậy cũng đã tạo được phần nào chuyển biến trong nhận thức của người dân.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh thực hiện kiểm tra nồng độ cồn của lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP Hạ Long. Ảnh: Khánh Giang

Mặc dù vậy, lúc bấy giờ, theo quy định cũ, mức xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông chưa cao dẫn đến tình trạng số người vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực trong đó mức xử lý vi phạm hành chính về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông rất cao, kể cả với người điều khiển xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ... đã tạo sức răn đe với người tham gia giao thông.

Cùng với đó, Công an tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, không có việc “du di trong dịp tết” hay xin xỏ, giảm nhẹ... trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Việc bố trí các lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông cũng được tăng cường hơn. Các tổ tuần tra của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt trước chỉ 5 người thì nay tăng lên 7-8 người để phòng các trường hợp chống đối, cản trở; bởi cũng đã có tình trạng những ngày đầu khi thực hiện mức xử phạt theo Nghị định 100, khi thấy mức xử phạt cao, một số đối tượng có hành vi chống đối như đóng cửa xe bỏ đi hay lao xe vào lực lượng cảnh sát giao thông...

Sau hơn 1 tháng thực hiện tuần tra, xử phạt nghiêm minh, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm hẳn. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 5/2/2020, toàn tỉnh đã xử phạt 336 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, trong đó có 26 trường hợp điều khiển ô tô và 276 trường hợp điều khiển mô tô. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới trên 1,89 tỷ đồng.

Qua đó, các đơn vị cũng đã tạm giữ 336 phương tiện; tước giấy phép lái xe 196 trường hợp. Hầu hết số trường hợp vi phạm xảy ra ở những ngày đầu khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, còn khoảng thời gian gần đây, mặc dù các tổ vẫn tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhưng số trường hợp vi phạm rất ít. Điều này cho thấy chuyển biến trong nhận thức, hành vi của người dân.

Từ ngày 1/1 đến 11/2/2020, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, giảm hẳn so với cùng kỳ. Đặc biệt, từ ngày 29 đến mùng 5 Tết, toàn địa bàn không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào.

Thời gian tới, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn tiếp tục được lực lượng cảnh sát giao thông của Quảng Ninh tăng cường thực hiện để thay đổi nhận thức, hành vi hướng tới văn hóa uống rượu, bia có trách nhiệm với mỗi người dân. Từ đó, giúp hình thành thói quen “đã uống rượu, bia là không lái xe” trong toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/an-toan-giao-thong/202002/sau-hon-1-thang-thuc-hien-xu-phat-vi-pham-nong-do-con-chuyen-bien-o-quang-ninh-2471744/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14563 Tổng lượt truy cập 91435984