'Sát thủ hành tinh' có khả năng va chạm Trái Đất

Tiểu hành tinh 2022 AP7 rộng 1,5 km bị ánh sáng chói lóa của Mặt Trời che khuất có thể đe dọa Trái Đất trong tương lai và được mệnh danh là "sát thủ hành tinh".

Mô phỏng tiểu hành tinh quay gần Mặt Trời hơn quỹ đạo của Trái Đất. Ảnh: NOIRLab

Các nhà thiên văn học phát hiện 3 tiểu hành tinh gần Trái Đất ẩn dưới ánh sáng chói lóa của Mặt Trời. Một tiểu hành tinh trong số đó là thiên thể có khả năng gây nguy hiểm lớn nhất từng được phát hiện trong vòng 8 năm qua. Những tiểu hành tinh trên nằm trong nhóm ở giữa quỹ đạo Trái Đất và sao Kim, nhưng chúng cực kỳ khó quan sát bởi độ sáng của Mặt Trời.

Để tránh ánh sáng chói lóa của Mặt Trời, nhóm nghiên cứu quốc tế tận dụng cơ hội quan sát trong thời gian chạng vạng cực ngắn. Họ phát hiện những thiên thạch trong khi sử dụng Camera năng lượng tối nằm trên Kính viễn vọng Víctor M. Blanco 4 m ở Đài quan sát liên châu Mỹ Cerro Tololo tại Chile. Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện hôm 31/10 trên tạp chí Thiên văn học. Một tiểu hành tinh trong cụm là 2022 AP7 rộng 1,5 km và bay theo quỹ đạo có thể giao cắt với Trái Đất trong tương lai, nhưng rất khó để giới khoa học biết chính xác khi nào.

"Khảo sát của chúng tôi tập trung vào tiểu hành tinh khu vực giữa Trái Đất và sao Kim", trưởng nhóm nghiên cứu Scott S. Sheppard, nhà thiên văn học ở Phòng thí nghiệm Trái Đất và Hành tinh của Viện Khoa học Carnegie tại Washington, DC, cho biết. "Tính đến nay, chúng tôi đã tìm thấy hai tiểu hành tinh lớn gần Trái Đất có đường kính khoảng một kilomet, kích thước mà chúng tôi gọi là sát thủ hành tinh".

Nhóm nghiên cứu xác định tiểu hành tinh 2022 AP7 bay ngang qua quỹ đạo Trái Đất, nhưng điều đó xảy ra khi Trái Đất ở phía bên kia của Mặt Trời. Tiểu hành tinh gần Trái Đất với kích thước từ một kilomet trở lên có thể phá hủy sự sống. Bụi và chất gây ô nhiễm sẽ lấp đầy khí quyển trong nhiều năm, khiến hành tinh lạnh đi và ngăn ánh sáng Mặt Trời chiếu tới bề mặt Trái Đất. Theo Sheppard, đó sẽ là một sự kiện đại tuyệt chủng chưa từng thấy trong hàng triệu năm.

Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm thấy nhiều tiểu hành tinh sát thủ hơn trong khảo sát qua hai năm tới. Họ cho rằng có khoảng 1.000 thiên thể gần Trái Đất với kích thước trên một kilomet và kết quả khảo sát trong thập kỷ qua đã phát hiện khoảng 95%. Hai tiểu hành tinh còn lại trong nghiên cứu là 2021 LJ4 và 2021 PH27 có quỹ đạo an toàn hơn nhiều và không đe dọa Trái Đất. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học chú ý tới 2021 PH27 bởi nó là tiểu hành tinh gần Mặt Trời nhất từng được biết tới. Khi nó tiến gần hơn tới ngôi sao, bề mặt của nó sẽ đạt nhiệt độ đủ nóng để làm chảy chì.

Những nhà thiên văn học săn tiểu hành tinh đối mặt thách thức lớn khi tìm kiếm thiên thạch ở vành trong hệ Mặt Trời, bao gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, sao Hỏa và vành đai tiểu hành tinh. Để tránh ánh sáng gắt của Mặt Trời, họ chỉ có hai khung thời gian kéo dài 10 phút mỗi đêm để quét khu vực này bằng kính viễn vọng trên mặt đất. Vào lúc chạng vạng, họ vẫn bị ảnh hưởng bởi bầu trời sáng ở cảnh nền. Kính viễn vọng của họ phải tập trung vào gần đường chân trời, có nghĩa họ cần quan sát xuyên qua khí quyển dày của Trái Đất và tác động làm mờ kèm theo.

Quan sát vành trong hệ Mặt Trời là bất khả thi với kính viễn vọng không gian như Hubble và James Webb bởi hơi nóng và ánh sáng gắt của Mặt Trời sẽ thiêu đốt các thiết bị. Đó là lý do cả hai đài quan sát không gian đều quay ra xa ngôi sao. Khả năng quan sát trường rộng của camera năng lượng tối giúp các nhà thiên văn học khắc phục những thách thức và quét chi tiết bầu trời đêm.

Thiên thể gần Trái Đất là những tiểu hành tinh và sao chổi với quỹ đạo cách Trái Đất trong vòng 48.3 triệu km. Phát hiện mối đe dọa từ các vật thể như vậy là mục tiêu chính của NASA và nhiều cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới. Hiện nay, không tiểu hành tinh nào có đường bay va chạm trực tiếp với Trái Đất. Giới nghiên cứu đã phát hiện hơn 27.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất thuộc đủ hình dáng và kích thước.

Theo An Khang (Theo CNN)/vnexpress.net

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9212 Tổng lượt truy cập 91593925