Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu

Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập ở Quảng Ninh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể. Thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.

Nhân dân phường Mạo Khê tham gia ý kiến về việc thành lập TP Đông Triều.

Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được kiện toàn, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở cấp huyện, Ban Dân vận cấp huyện đã tham mưu cấp ủy ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2023 bảo đảm rõ nội dung, rõ cơ quan, đơn vị thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH11 (ngày 20/4/2007) và Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ (ngày 25/9/2020) của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh về nội dung đánh giá việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại các xã, phường, thị trấn, gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương ngày càng thực chất, hiệu quả theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Các nội dung công khai để nhân dân biết, bàn, tham gia ý kiến đã được chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là việc niêm yết công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, phương án điều chỉnh quy hoạch, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư liên quan đến các dự án, công trình; xây dựng cơ sở hạ tầng; công khai tài chính về thu, chi ngân sách; chương trình xây dựng nông thôn mới...

Các chính sách về an sinh xã hội, các đợt vận động quyên góp của nhân dân, quy định về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân, các chương trình phát triển KT-XH đều đã được công khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp.

Người dân khu phố Nam Sơn (phường Nam Khê, Uông Bí) giám sát các khoản đóng góp của nhân dân.

Nhiều địa phương thực hiện tốt việc niêm yết công khai các nội dung, chủ trương, chính sách, cũng như xây dựng được quy chế, quy định về tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Ngoài việc công khai lịch tiếp dân, giải quyết KNTC hằng tháng theo quy định, TP Hạ Long đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về việc đặt tên các công trình công cộng (dự án Cầu Cửa Lục 3; Bãi tắm Hòn Gai…); huyện Ba Chẽ tổ chức Hội thảo đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; TX Đông Triều công khai lấy ý kiến nhân dân về việc xây dựng địa phương trở thành thành phố.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đã thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, phường, khu phố, không áp đặt hoặc can thiệp vào công việc của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân bàn bạc, thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân. Đến nay, việc thực hiện công khai, minh bạch đã trở thành “chìa khóa” thực hiện dân chủ trên địa bàn tỉnh.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân được nhân dân tham gia đóng góp tích cực, bảo đảm công bằng, khách quan, đúng quy định, phù hợp với tình hình, đặc thù của địa bàn dân cư, phát huy truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa.

Đặc biệt, các công trình, dự án đầu tư, đề án phát triển KT-XH tại địa phương được nhân dân trực tiếp tham gia giám sát, phản biện thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư công của cộng đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 233 Ban Giám sát đầu tư công của cộng đồng được thành lập, thực hiện 338 cuộc giám sát, phát hiện 14 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 19 vụ. Hiện đã có 22 vụ việc được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Từ việc thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở đã góp phần tích cực cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng chính quyền “Liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ”, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Mạnh Trường/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 5356 Tổng lượt truy cập 91587993