Quảng Ninh và Than

Xuyên suốt hành trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than luôn gắn bó mật thiết, "máu thịt", "tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Mối quan hệ đó được gìn giữ, phát huy qua lớp lớp thế hệ thợ mỏ đã tạo nên sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh cũng như ngành Than. Đặc biệt, trong dòng chảy khát vọng hùng cường của đất nước, hoạt động của ngành Than, trọng điểm là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn gánh vác trọng trách, sứ mệnh đặc biệt đối với nền kinh tế của đất nước, trở thành trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Công nhân Công ty Than Hạ Long vận hành giàn chống trong lò chợ.

Mối quan hệ đặc biệt

Quảng Ninh đã gắn bó với ngành Than trong suốt quá trình hình thành và phát triển, là địa bàn tập trung 90% trữ lượng than của cả nước. Than gắn với đất, gắn với người Quảng Ninh, vì có than mà đất Quảng Ninh được gọi là “đất mỏ”. Truyền thống, bề dày lịch sử lâu đời của ngành Than đến nay đã trên 183 năm. Điểm mốc bắt đầu là ngày 10/1/1840, Vua Minh Mạng ra chỉ dụ chuẩn y sớ tấu của Tổng đốc Hải An (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) cho phép khai thác than ở Quảng Ninh.

Quảng Ninh - Vùng mỏ, là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam và ngành công nghiệp khai khoáng. Đây cũng là nơi khởi đầu của phong trào “vô sản hóa”. Ngược dòng lịch sử cách đây 87 năm, cuộc Tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ với tinh thần đoàn kết “Kỷ luật và Đồng tâm”, dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp và tay sai đã giành thắng lợi vang dội. Ngày 12/11/1936 viết nên trang sử chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thợ mỏ Việt Nam, đã đi vào lịch sử và trở thành “Ngày Vùng mỏ bất khuất”, nay đổi tên thành “Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, Ngày truyền thống ngành Than”. Sau đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ giải phóng, thợ mỏ cũng tham gia giành chính quyền năm 1945 và tiếp quản vùng mỏ ngày 25/4/1955. Kể từ đó, xây dựng và phát triển các mỏ đến nay.

Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thể hiện sự quyết tâm giữ vững an toàn trước ca sản xuất.

Đất nước thống nhất, quân và dân Quảng Ninh bước vào giai đoạn kiến thiết Vùng mỏ ngày càng giàu đẹp hơn. Trong giai đoạn 1955-1975, công nhân Vùng mỏ tập trung khôi phục sản xuất, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Các giai đoạn: 1987-1989, 1997-1999, 2009-2013, 2017-2019, ngành Than liên tục rơi vào tình trạng khó khăn, sản xuất bị đình trệ, sản lượng than tồn kho cao, hàng trăm thợ mỏ bị mất việc, giảm giờ làm...

Thế nhưng, dù gặp bất cứ thách thức nào, hàng vạn công nhân cùng lãnh đạo ngành Than đã chủ động đối mặt với khó khăn, tháo gỡ dần từng nút thắt, tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, cần cù chịu khó, phục hồi sản xuất, thực hiện lời dạy của Bác: “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”. Những người công nhân mỏ, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, đã xây dựng nên truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, bất khuất, kiên cường, dũng cảm của con người và quê hương Quảng Ninh.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử đã khẳng định mỗi trang sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đều gắn với những hy sinh thấm bao mồ hôi và cả máu của thợ mỏ, của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Mối quan hệ giữa tỉnh Quảng Ninh với ngành Than là mối quan hệ rất chặt chẽ, “máu thịt”, không thể tách rời, như đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký có nói “có than nên Quảng Ninh gọi là vùng mỏ, có giai cấp công nhân mới có Đảng”.

Đồng hành xây dựng Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh

60 năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực để có được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước. Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. 7 năm liên tục (2016-2022), tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có bước đột phá, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước với các mô hình đổi mới hiệu quả.

Công nhân Phân xưởng Khai thác 8, Công ty CP Than Vàng Danh khoan, khai thác than trong lò chợ.

Trong dòng chảy khát vọng hùng cường của đất nước và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, hoạt động của ngành Than, trọng điểm là của TKV có vai trò, động lực tác động trực tiếp, ý nghĩa quyết định đến sự ổn định kinh tế xã hội và đà tăng trưởng, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Quảng Ninh. TKV luôn gánh vác trọng trách, sứ mệnh đặc biệt đối với nền kinh tế của đất nước, trở thành trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm ở từng giai đoạn và thời điểm khác nhau nhưng giá trị của hòn than luôn gánh trên mình trọng trách đặc biệt ví như những tấn “vàng đen” phụng sự cho mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.

Đóng góp của ngành Than vẫn giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm TKV khai thác và tiêu thụ khoảng 39-42 triệu tấn than nguyên khai đáp ứng nhu cầu cung cấp than phục vụ cho các ngành nghề kinh tế. TKV đã nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 86.900 tỷ đồng, chiếm hơn 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh. Năm 2021, TKV nộp ngân sách nhà nước 18,6 nghìn tỷ đồng, trong đó nộp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 14,1 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, TKV nộp ngân sách nhà nước 21,3 nghìn tỷ đồng, trong đó nộp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 16,3 nghìn tỷ đồng. Mức nộp ngân sách này đã đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh. Riêng 9 tháng năm 2023, TKV nộp ngân sách nhà nước hơn 23.000 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm, trong đó nộp ngân sách tại Quảng Ninh đạt hơn 14.100 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch năm. Đặc biệt, TKV đang ổn định việc làm, thu nhập cho hơn 80.000 công nhân vùng mỏ với mức thu nhập bình quân hiện nay đạt trên 14 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện phương châm “Phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội”, những năm qua, TKV luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm với cộng đồng. Với Quảng Ninh - địa bàn chiến lược của TKV, từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn đã dành trên 455 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, từng khẳng định: Sức mạnh nội sinh để tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đó chính là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ để hun đúc tạo nên nét văn hóa của Quảng Ninh, máu thịt của miền mỏ bất khuất! Chúng ta tự hào vững bước vượt qua khó khăn, thử thách từ truyền thống quý báu của vùng than. Tự hào về truyền thống cách mạng của Vùng mỏ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh càng ý thức hơn về trách nhiệm to lớn trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trước mong muốn, đòi hỏi của nhân dân và trách nhiệm của địa phương đối với sự phát triển của đất nước.

Trên nền tảng và đà phát triển đã được tạo dựng, Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ và cả nước...

Hoạt động tiêu thụ than của TKV tại Cảng Cửa Ông.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Đồng hành cùng với mục tiêu tăng trưởng xanh mà tỉnh đang theo đuổi, Tập đoàn cũng đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới cơ giới hoá, tin học hoá, tự động hoá vào quản lý và sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động. Những nơi không cơ giới hoá, tự động hoá được thì phải tăng cường khâu chống giữ trong lò, với mức độ tốt nhất, nhưng vẫn bảo đảm không gian, không khí, an toàn lao động, sức khoẻ cho thợ lò. Mục đích tới của Tập đoàn là cải thiện nhiều hơn nữa điều kiện làm việc và thu nhập cho công nhân.

Để xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thời gian tới, các đơn vị của TKV tăng cường đầu tư các công trình bảo đảm mục tiêu môi trường một cách tổng thể. Trong đó, ưu tiên các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất, môi trường làm việc, nhằm từng bước hoàn thành các mục tiêu “Đưa công viên vào trong mỏ nhà máy”, “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ”... Ngành Than cũng tính toán các yếu tố phát triển, nhất là nhu cầu than cho đất nước trong giai đoạn tới, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với tình hình chung của đất nước và của tỉnh Quảng Ninh.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành Than, tỉnh đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường; khai thác tối đa cơ hội thị trường để tăng tối đa sản lượng than sản xuất, than tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và nhập khẩu. Tỉnh Quảng Ninh và ngành Than tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề về đời sống, việc làm, thu nhập, chỗ ở cho người lao động, cả vấn đề chăm lo cho giai cấp ngành Than.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phân xưởng Vận chuyển (Công ty Kho vận Đá Bạc): “Tự hào là công nhân ngành Than và là người con của Quảng Ninh”

Tôi sinh ra tại vùng đất mỏ Vàng Danh và trong gia đình cũng có nhiều người làm công nhân mỏ. Bao thăng trầm của ngành Than đều in sâu vào ký ức của tôi. Ngay từ nhỏ, tôi được nuôi dưỡng tình yêu với Vùng mỏ, với nghề mỏ mà bao đời nay gia đình mình vẫn theo. Thế nên dù biết rõ công việc của ngành Than là vất vả với phụ nữ nhưng tôi vẫn quyết tâm gắn bó với công việc này. Đến nay, tôi đã có 31 năm gắn bó với ngành Than. Mặc dù không trực tiếp làm ra những tấn vàng đen cho Tổ quốc, nhưng tôi vẫn tự hào khi công việc hàng ngày của mình đã góp phần vào việc đáp ứng yêu cầu vận tải bằng đường sắt phục vụ kéo than cho các mỏ. Từ đó, góp phần không nhỏ trong những chuyến tàu ngày nối ngày trở những tấn vàng đen đi khắp mọi miền, xây dựng ngành Than ngày càng phát triển. Tôi tin, không chỉ riêng tôi mà hàng nghìn, hạng vạn thợ mỏ khác, dù ở vị trí công việc nào cũng đang phấn đấu hết mình để phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của vùng đất mỏ anh hùng. Bởi lẽ, chính sự phấn đấu, nỗ lực của mỗi cá nhân cũng sẽ góp phần tô thắm thêm vào sự phát triển của quê hương Quảng Ninh yêu dấu. Tôi tự hào vì mình là công nhân ngành Than và là người con của Quảng Ninh. 

 Anh Vũ Đình Đức, Phân xưởng Khai thác, đào lò 6 (Công ty Than Nam Mẫu): “Tiếp tục gương mẫu, góp phần vào sự lớn mạnh của Công ty và Tập đoàn”

Tôi đã gắn bó với than Nam Mẫu gần 15 năm và thực sự coi đây là mái nhà thứ 2 của mình. Ở nơi đây, đời sống của người công nhân luôn được Công ty quan tâm rất chu đáo. Để giúp người lao động gắn bó và yên tâm với công việc, những năm qua, Công ty đã có rất nhiều sáng kiến để cải thiện điều kiện làm việc cho người công nhân. Với những vị trí làm việc ngoài mặt bằng thường xuyên tiếp xúc với nắng nóng, nhiệt độ cao, Công ty đã bổ sung quạt công suất lớn, đồ dùng bảo hộ lao động phòng, chống nắng nóng cho công nhân... Đối với lao động trong các hầm lò, Công ty cũng đã tập trung đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, đầu tư trang bị thiết bị an toàn tiên tiến nhằm giảm nhẹ cường độ lao động và đảm bảo an toàn lao động. Bên cạnh đó, Công ty còn tăng cường tổ chức tham quan, nghỉ mát; điều dưỡng, khám sức khỏe định kỳ... Chính sự quan tâm của Công ty đã tạo động lực để chúng tôi không ngừng nỗ lực và cống hiến. Tôi rất tự hào vì công việc hằng ngày của thợ lò chúng tôi góp phần giúp Công ty ổn định sản xuất, phát triển ngày càng bền vững. Với điểm tựa là truyền thống cách mạng hào hùng, với sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”, thợ mỏ than Nam Mẫu sẽ tiếp tục gương mẫu, góp phần vào sự lớn mạnh của Công ty và của Tập đoàn, đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển bền vững.

Anh Phạm Văn Viên, công nhân Phân xưởng Khai thác 10 (Công ty Than Hạ Long): “Đất mỏ Quảng Ninh và ngành Than là một phần máu thịt của gia đình tôi”

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nghệ An, tôi và nhiều công nhân khi đến Quảng Ninh lập nghiệp lại gắn bó với mảnh đất này như một cái duyên đặc biệt. Những năm đầu xuống Vùng mỏ lập nghiệp, công việc thợ lò rất gian nan, vất vả. Ngày đó, công nhân mỏ chủ yếu lao động bằng thủ công, năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỉnh và Tập đoàn quan tâm đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân người lao động đã giúp chúng tôi thật sự yên tâm gắn bó lâu dài với công việc này. Gắn bó với Vùng mỏ hơn 15 năm nay, Vùng mỏ Quảng Ninh đã trở thành quê hương thứ 2, nơi chứng kiến trước đây chỉ có con đường đầy bụi than bám dọc đường, nay đã được thay thế bằng những con đường khang trang, sạch đẹp hơn. Đặc biệt đời sống của công nhân đã được cải thiện rất nhiều. Bình quân thu nhập của tôi đạt từ 24-25 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó thì tôi đã đảm bảo được cuộc sống. Tự hào khi mỗi tấn than, chúng tôi sản xuất ra đã đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Được sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh đó là sự lựa chọn đúng đắn và hạnh phúc nhất của tôi đến thời điểm này.

Chị Đoàn Thị Liên, Phân xưởng Phục vụ (Công ty Than Mạo Khê): "Tỉnh và ngành Than luôn quan tâm đến đời sống công nhân”

Không trực tiếp tham gia dưới lò sâu, nhưng tôi đã có hơn 26 năm gắn bó với mỏ, với Công ty Than Mạo Khê. Hiện nay, tôi được bố trí công việc tại các nhà ăn số 6, sau đó là nhà ăn số 1 của Công ty. Gắn bó với anh em thợ lò, tôi thấu hiểu được công việc của họ tuy vất vả nhưng rất vinh quang. Mỗi tấn than, mét lò mỏ đào lên thấm đẫm mồ hôi, công sức của thợ lò nhưng đã đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh ngày hôm nay. Chứng kiến những đổi thay chuyển mình ngày càng đi lên của ngành Than nói riêng và của tỉnh nói chung, tôi vô cùng tự hào và hãnh diện. Càng tự hào hơn khi mối quan hệ máu thịt giữa ngành Than và tỉnh Quảng Ninh ngày càng gắn bó chặt chẽ. Nhìn vào sự phát triển đó, bản thân tôi nhận thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm, là động lực để cống hiến và trưởng thành hơn nữa, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, tỉnh và ngành Than sẽ tiếp tục ưu tiên cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chế độ suất ăn công nghiệp, thu nhập, nhà ở cho công nhân lao động.

Anh Phạm Ngọc Tiến, Công trường Khoan (Công ty CP Than Cao Sơn): “Viết tiếp truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” cống hiến xây dựng quê hương”

Sinh ra trên đất mỏ, tôi cảm thấy rất tự hào về truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của các thế hệ thợ mỏ đi trước. Đặc biệt, trong hành trình phát triển 60 năm của tỉnh Quảng Ninh, truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” đã được lớp lớp thợ mỏ chúng tôi kế thừa, gìn giữ và phát huy. Có những giai đoạn ngành Than gặp rất nhiều khó khăn, đời sống, việc làm thợ mỏ bị gián đoạn, chúng tôi phải đối mặt nguy cơ giãn việc, mất việc làm. Thế nhưng, càng khó khăn thợ mỏ và người dân Quảng Ninh càng đoàn kết cùng nhau vượt qua. Minh chứng rõ nhất trong hai năm gần đây, khi đối mặt với dịch Covid-19 bùng phát, tôi thấy tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã nỗ lực vào cuộc, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp công nhân ổn định việc làm. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, chúng tôi hiểu và trân trọng tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” - một tài sản vô giá của lớp lớp thế hệ ngành Than, tạo nên sức mạnh tinh thần lớn mạnh, giúp chúng tôi những người thợ mỏ thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục vững tin, nỗ lực cống hiến, tiến sâu vào lòng đất để khai thác thật nhiều “vàng đen” cho Tổ quốc.

Theo Phạm Tăng - Hoàng Nga/baoquangninh.vn
 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 647 Tổng lượt truy cập 91737270