Quảng Ninh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Trên tinh thần Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngày 18/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Sau hơn một tháng triển khai, dù đã xuất hiện hàng trăm ca F0 trong cộng đồng, nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự chủ động thích ứng linh hoạt, Quảng Ninh đã nhanh chóng kiểm soát tình hình, kiên quyết không để các ổ dịch thành đợt dịch, gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Giữ vững “vùng xanh” an toàn

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh họp khẩn với các ngành và địa phương có các ca F0 trong cộng đồng để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, ngày 3/11.

Với kinh nghiệm quý báu, bản lĩnh có được xuyên suốt 2 năm chống dịch và chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện trên tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ”, Quảng Ninh vững vàng chuyển trạng thái từ mục tiêu “Không có Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong trạng thái bình thường mới đã được thiết lập, bám sát Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để mọi hoạt động diễn ra bình thường, an toàn, ổn định, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ngày càng được phát huy. Năng lực quản lý sự thay đổi, năng lực quản trị rủi ro của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư nhanh chóng được nâng lên.

Giữa tháng 10/2021, sau 114 ngày không có ca nhiễm thứ phát trong cộng đồng, Quảng Ninh đã ghi nhận những ca F0 đầu tiên trở về từ các vùng dịch trong nước. Từ ngày 11/10 tới nay đã ghi nhận hơn 600 ca F0 ở các địa phương trong tỉnh, như: Đông Triều, Uông Bí, Hải Hà, Đầm Hà… trong đó có những chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Song, dưới sự chỉ đạo liên tục từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng sự nỗ lực của các địa phương, công tác phòng chống dịch ở các địa bàn phát sinh ổ dịch đã được triển khai nhanh chóng, khẩn trương; kịp thời bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng; thần tốc truy vết và chủ động xét nghiệm tầm soát các đối tượng có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm Covid-19 trong cộng đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, các ca bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhiều địa phương ở khu vực khó khăn như: Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà cũng nhanh chóng làm chủ được tình hình. Các khu công nghiệp được hoạt động trở lại, đảm bảo chuỗi sản xuất phát triển kinh tế không bị đứt gẫy; các em học sinh được quay trở lại trường học tập...

Không kể ngày đêm, lực lượng y tế phối hợp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở 2 ổ dịch phức tạp xã Hồng Thái Tây và Hồng Thái Đông, TX Đông Triều. (Tháng 11/2021)

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết: TP Uông Bí luôn chủ động về kịch bản, phương án chống dịch, sẵn sàng về nhân lực, vật tư; công tác truy vết được thực hiện thần tốc, triệt để đã mang lại hiệu quả tích cực, không để sót, lọt đối tượng. Thành phố cũng chỉ đạo triển khai hiệu quả các mô hình phòng, chống dịch bệnh tại cấp cơ sở như trạm y tế lưu động, Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, Tổ chăm sóc y tế cơ sở… Đây là điều rất cần thiết trong cuộc chiến với "giặc" Covid-19. Do đó, chỉ sau hai tuần khi phát hiện ca F0 đầu tiên tại ổ dịch Công ty TNHH Sao Vàng và các ổ dịch mới, chúng tôi đã sớm ngăn chặn được đà lây lan của dịch bệnh. Từ ngày 17/11 đến nay, thành phố không ghi nhận thêm ca mắc F0 mới trong cộng đồng; nhiều F0 cũng đã được điều trị khỏi bệnh.

Tinh thần cốt lõi của Chỉ thị số 18-CT/TU, khi chuyển sang chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã được khẳng định. Vai trò người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn được phát huy. Mỗi khu dân cư, mỗi gia đình trở thành một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh, nhưng cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt khi có tình huống nảy sinh. Cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh đã thích ứng linh hoạt, bày tỏ tin tưởng sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Trung ương, của tỉnh trong công tác phòng, chống Covid-19. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong từng cộng đồng cũng được minh chứng bằng hiệu quả hoạt động của 1.500 tổ Covid-19 cộng đồng; hàng nghìn tổ liên gia, hàng nghìn tổ tự quản phòng, chống Covid-19 ở khu dân cư với hàng nghìn người dân tham gia. Hàng nghìn hộ gia đình đã ký cam kết phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly.

Các thành viên Tổ liên gia khu phố Hải Long (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) kiểm tra việc dán mã quét QR của các nhà hàng trên địa bàn, tháng 10/2021. Ảnh: Hoàng Nga

Chị Nguyễn Thị Yên, chủ nhà trọ ở tổ 8, khu 4, phường Hồng Hà, chia sẻ: Hiện tôi có 37 phòng với khoảng 70 người thuê trọ chủ yếu là người dân ở địa phương khác trong tỉnh. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ liên gia, bản thân tôi có trách nhiệm hơn trong việc quản lý chặt chẽ những người đến thuê trọ, yêu cầu mọi người khai báo y tế nếu ra khỏi tỉnh, yêu cầu khách đến chơi phải quét mã QR, lập danh sách tiêm phòng vắc-xin… Mọi di biến động ở khu trọ tôi đều nắm rõ để phối hợp chặt chẽ với khu phố và Công an phường.

Thành công từ nền tảng vững chắc

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà xét nghiệm cho toàn bộ 15.000 công nhân tại Khu công nghiệp xong trong ngày 15/11.

Những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua là minh chứng cho sự cố gắng nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, sự đúng đắn của Chỉ thị số 18-CT/TU dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức, chỉ huy phòng, chống dịch bệnh. Đó là kết quả của sự tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở cộng với phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, nhất là nguồn lực “chính trị, tinh thần, niềm tin” của nhân dân, truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của Vùng mỏ anh hùng theo phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, cộng đồng thôn, khu, bản là một pháo đài phòng, chống dịch bệnh".

Quảng Ninh đã có những cách làm rất quyết liệt, mạnh dạn khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn. Trong khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước còn e ngại trong việc thực hiện cách ly F1, điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà bởi những hạn chế về điều kiện cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo… thì Quảng Ninh đã thực hiện rất thành công, hiện đang triển khai thí điểm tại TP Uông Bí. Các đơn vị y tế tuyến huyện đã tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng.

Để đạt được kết quả tích cực này, Quảng Ninh đã chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các nền tảng từ sớm. Ngay từ tháng 7, khi Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1) tại Công văn 5599/BYT-MT, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, xác nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng hộ gia đình trên địa bàn; xây dựng phương án bố trí phù hợp khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc để người dân nếu trong khu vực cách ly thì kịp thời cung cấp thông tin khi cần thiết. Với sự chủ động này, nếu trong trường hợp xuất hiện ổ dịch tại địa phương, người dân hoàn toàn có thể yên tâm được hỗ trợ điều trị ngay tại địa bàn; nếu trường hợp trở nặng sẽ được chuyển tuyến điều trị. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp Quảng Ninh khóa nhanh ổ dịch, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Ông Vũ Hải Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Uông Bí, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về điều trị F0 tại nhà, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố thực hiện thí điểm điều trị tại nhà đối với một ca F0 tại phường Phương Đông. Qua đánh giá bước đầu, ca F0 này không có triệu chứng lâm sàng, nhà riêng tách biệt, nhà vệ sinh khép kín. Về quy trình điều trị, các nhân viên y tế của Trạm y tế lưu động phường Phương Đông trực tiếp thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi diễn biến sức khỏe thường xuyên. Đến ngày 20/11, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm 2 lần PCR âm tính, hiện đang chờ kết quả PCR lần thứ 3 âm tính là đủ điều kiện khỏi bệnh.

Xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Cùng với việc tăng cường xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ nhằm kịp thời phát hiện sớm, truy vết sớm, cách ly sớm, điều trị sớm các trường hợp F0, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều tăng cường hướng dẫn cán bộ, người lao động biết tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thần tốc xét nghiệm trên diện rộng để xử lý ổ dịch trong thời gian ngắn nhất. Tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên đặt vấn đề tăng cường hướng dẫn tập huấn kỹ thuật chuyên môn, tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của việc sàng lọc phát hiện sớm F0 trong cộng đồng, để mỗi người dân cũng có thể chủ động tham gia tầm soát sàng lọc cho gia đình bằng phương pháp test nhanh.

Quảng Ninh cũng đã được Trung ương đánh giá cao trong việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh. Tại các trạm khai báo y tế ra vào tỉnh đều ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp trí tuệ nhân tạo AI. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, điểm kinh doanh thiết lập các điểm kiểm soát dịch bằng mã QR-Code; yêu cầu người dân thực hiện quét mã QR-Code để kiểm soát chặt chẽ quá trình di chuyển, phục vụ công tác quản lý khi cần thiết. Tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở giải pháp tích hợp ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần phục vụ đắc lực công tác phòng, chống dịch. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện bộ dữ liệu lớn về xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin, dịch tễ học, phần mềm quản lý F1, F0 nhằm đảm bảo tất cả các trường hợp nếu có diễn biến đều có sự hỗ trợ từ cơ sở, từ chính quyền địa phương.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho học sinh huyện Hải Hà.

Với những cách làm hiệu quả, kịp thời, Quảng Ninh đã từng bước tạo được miễn dịch cộng đồng. Qua 20 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19, từ tháng 3/2021 đến nay, Quảng Ninh đã có trên 1,1 triệu người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong đó đã có 942.425 người được tiêm đủ 2 mũi. Cuối tháng 11, Quảng Ninh tiếp tục tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tỉnh áp dụng linh hoạt, an toàn các biện pháp phòng, chống dịch. Qua thực tiễn cũng cho thấy, sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nếu người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế, quét mã y tế QR-Code thì người dân Quảng Ninh hoàn toàn có thể chiến thắng dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, sự sẵn sàng, đồng lòng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân chính là sức mạnh để Quảng Ninh đã và đang tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân gắn với thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng hai con số; trở thành điểm sáng về thích ứng, linh hoạt, an toàn trong cuộc chiến với dịch Covid-19.

Theo Trúc Linh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21679 Tổng lượt truy cập 91447504