Quảng Ninh dành tối thiểu 500 tỷ đồng để mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn

Ngày 24/2, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 và các địa phương trong toàn quốc, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo: Quảng Ninh sẽ dành tối thiểu 500 tỷ đồng để mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh tham dự cuộc họp trực tuyến với Chính phủ qua truyền hình trực tuyến.
Quảng Ninh tham dự cuộc họp trực tuyến với Chính phủ qua truyền hình trực tuyến.

Từ ngày 25/1 đến ngày 23/2, cả nước ghi nhận 809 trường hợp mắc Covid-19 trong nước tại 13 tỉnh, thành phố. Trong đó tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.401, trong đó có 1.469 ca trong nước. Đến nay có 1.717 trường hợp khỏi bệnh, ra viện (chiếm 70%), đang điều trị 640 trường hợp (chiếm 29,5%); hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 82,5%), biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và 19 trường hợp (2,7%) tiên lượng nặng, nguy kịch.

Theo nhận định chung của Bộ Y tế, tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Hiện, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin và làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin phòng bệnh Covid-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời, chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước; xã hội hóa và huy động các nguồn lực phục vụ việc cung cấp vắc xin phòng bệnh Covid-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 quy định một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó rà soát điều chỉnh các nhiệm vụ chi, tiếp tục giảm 10% chi thường xuyên, tăng dự phòng ngân sách lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh khác và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục hạn chế tối đa mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, thăm quan học tập kinh nghiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi và không ban hành các chế độ, chính sách mới chưa thật sự cần thiết, cấp bách.... Từ đó dành nguồn lực cùng với các nguồn lực hợp pháp khác (tối thiểu 500 tỷ đồng) để sẵn sàng cho việc mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ phòng chống dịch cấp tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đơn vị, đến ngày 23/2/2021, tất cả các địa bàn trong tỉnh đã truy vết, khoanh vùng, cách ly tập trung hoàn toàn các F1. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã kiểm soát hoàn toàn các ca bệnh F0 liên quan đến 2 ổ dịch tại Sân bay Vân Đồn và Chí Linh, Hải Dương. Tính đến 18h ngày 23/2/2021, toàn tỉnh có 61 ca dương tính phát hiện tại Quảng Ninh, 1 ca phát hiện tại Hải Dương; trong đó có 2 ca điều trị tại Hà Nội và 60 ca điều trị tại các cơ sở y tế của Quảng Ninh. Đến nay, số bệnh nhân F0 điều trị cách ly tại các cơ sở y tế của Quảng Ninh  đủ tiêu chuẩn ra viện là 27 bệnh nhân; số đang điều trị là 33 bệnh nhân.

Thời gian qua, tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch với hơn 340 trường hợp, tổng số tiền phạt khoảng 1 tỷ đồng. Về tình hình sản xuất kinh doanh, các ngành công nghiệp như ngành than, điện không bị ảnh hưởng nhiều. Ngành du lịch, dịch vụ bị đình trệ, quý I/2021 chỉ đón 700.000 lượt khách so với mục tiêu đặt ra là 3,6 triệu lượt.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương BCĐ quốc gia, ngành y tế cả nước, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong cả nước đã nỗ lực, tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó đã đạt được kết quả đáng mừng, 11/13 địa phương có dịch đã kiểm soát được tình hình.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu: Với mục tiêu là 100 triệu dân Việt Nam được tiêm vắc xin phòng Covid-19, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế dự thảo ngay trong ngày hôm nay Nghị quyết về tiêm vắc xin. Không thể ngay một lúc tiêm vắc xin được cho tất cả 100 triệu người nên phải xác định các đối tượng được ưu tiên, với nguyên tắc đối tượng có nguy cơ cao tiêm trước, nguy cơ thấp tiêm sau; vùng có dịch trước, vùng chưa có dịch tiêm sau. Cùng với biện pháp tiêm vắc xin, phải tiếp tục thực hiện nghiêm 5K, nhất là đeo khẩu trang vải và tránh tụ tập đông người.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; giám sát chặt chẽ không để trường hợp lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly; kiểm soát đường biên giới, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để tình trạng nhập cảnh trái phép dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên tinh thần truyền thông vì lợi ích, không gây hoang mang dư luận. Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch để có các giải pháp giải cứu kịp thời, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương này.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là địa phương có dịch phải có biện pháp vừa kiểm soát dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương chuẩn bị các khu vực giao dịch cần thiết, an toàn như Singapore đã làm, không để ách tắc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập trực tuyến cho các học sinh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với một số kiến nghị của các địa phương liên quan đến việc lưu thông hàng hóa bình thường, không ngăn sông cấm chợ với các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; đảm bảo sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, kể cả kinh tế dịch vụ, du lịch; thực hiện xã hội hóa tiêm vắc xin đảm bảo công khai, minh bạch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Thu Chung/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24250 Tổng lượt truy cập 91528746