Phát triển kinh tế hài hòa với thiên nhiên

Với quan điểm “Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, những năm qua, Quảng Ninh đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Rừng ngập mặn tại huyện Tiên Yên đang được bảo vệ và phát triển ngày càng bền vững, góp phần ổn định môi trường.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện công tác quản lý BVMT, coi BVMT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Có thể kể đến như: Nghị quyết số 117/2003/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý BVMT đến năm 2010; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 7/9/2010 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý BVMT trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, BVMT, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.

Từ năm 2015, Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng 26 trạm quan trắc môi trường tự động tại các vị trí trọng yếu về môi trường từ nguồn vốn ngân sách và nguồn kinh phí đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp có phát thải lớn trên địa bàn, điều mà rất ít tỉnh, thành làm được. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư, quản lý và vận hành ổn định 160 trạm quan trắc, trong đó có 1 trạm quan trắc không khí do Bộ TN&MT đầu tư. Số còn lại do tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện.

Với công nghệ khá hiện đại, dữ liệu từ các trạm quan trắc được chuyển tải liên tục, thường xuyên, trực tiếp về Sở TN&MT, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các địa phương và Bộ TN&MT để giám sát, nắm bắt kịp thời những thông số chất lượng môi trường. Từ đó, giúp cơ quan quản lý và chủ nguồn thải giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường, đồng thời nâng cao ý thức BVMT của các doanh nghiệp.

Nhận diện rõ những mâu thuẫn, thách thức giữa phát triển kinh tế với BVMT, tỉnh đã từng bước chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, biến tăng trưởng nóng thành tăng trưởng xanh từ năm 2011. Theo đó, tỉnh đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc cùng chung tay thực hiện chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển, chủ động triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài, nhằm khắc phục những tác động tiêu cực do hoạt động sản xuất, kinh doanh than gây ra.

Thực hiện nghiêm túc các cam kết về môi trường với tỉnh, những năm qua TKV đã dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất gần khu dân cư, trong đó có Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng vào năm 2019.

Hằng năm, TKV đều dành hàng nghìn tỷ đồng để chi cho công tác BVMT như: Cải tạo các tầng thải, gia cố chân bãi thải, đầu tư hệ thống phun sương dập bụi cao áp tại những vị trí đổ thải, chuyển tải; đưa hệ thống băng tải kín vận chuyển than vào hoạt động thay thế ô tô và tàu sắt; đầu tư các trạm xử lý nước thải mỏ; trồng cây xanh để chống xói mòn, sạt trượt bãi thải, giảm phát tán bụi ra môi trường... Đối với đất đá thải mỏ, TKV đang chế biến, sử dụng một phần để làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) kiểm tra Trạm xử lý nước thải mỏ tại Công ty CP Than Hà Lầm.

Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh, hiện nay Sở Xây dựng đang tham mưu cho tỉnh lộ trình thực hiện việc di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước, với gần 423.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm hơn 68% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Nhờ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh đã bảo vệ, quản lý tốt các khu rừng tự nhiên như: Vườn quốc gia Bái Tử Long, Rừng quốc gia Yên Tử, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Tỉnh đã thành lập mới một số khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng cảnh quan BVMT như: Rừng đặc dụng Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên)...

Tỉnh cũng đã thay thế các loại cây giống lâm nghiệp hiệu quả thấp bằng các giống cây bản địa, cây gỗ lớn. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã trồng mới được hơn 74.000ha rừng tập trung với nhiều loài cây có giá trị như lim, giổi, lát, thông nhựa và 3,5 triệu cây phân tán các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 55%, đứng thứ 14 cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quảng Ninh đã tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về quản lý BVMT ở cả khu vực đô thị và vùng nông thôn, nhất là vùng cao, miền núi, vùng đồng bào DTTS, biên giới, biển đảo của tỉnh. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu về BVMT, nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố BVMT ở mức tốt.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh, cùng các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Tăng cường đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về BVMT; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ cao, thân thiện, ít phát thải ra môi trường. Đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các tỉnh, thành, quốc gia lân cận bảo vệ tốt môi trường.

Theo Minh Yến/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13942 Tổng lượt truy cập 91759022