Phát huy hiệu quả trong bảo vệ môi trường

Tháng 9/2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), phòng tránh, giám nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Một trong những giải pháp được đề ra trong nghị quyết là phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác này.

Không phải chỉ khi Nghị quyết 10-NQ/TU được ban hành, trước đó MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội toàn tỉnh luôn phát huy hết vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân, du khách nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT). Trung bình mỗi năm, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã treo hàng trăm pano, khẩu hiệu, băng rôn, tranh cổ động, phát hơn 2.200 tờ rơi; tuyên truyền trên 200 cụm loa truyền thanh; tổ chức hàng trăm hội nghị truyền thông, tập huấn, hội thảo chuyên đề về BVMT...

Người dân thôn Tân Phú (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) vệ sinh môi trường đường liên thôn hưởng ứng phong trào "Ngày chủ nhật xanh".

Nhiều phong trào thi đua toàn dân tham gia BVMT được Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia. Tiêu biểu như các phong trào: “Tết trồng cây”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện, ngày chủ nhật xanh”...

Từ năm 2018 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 1.520 "Ngày chủ nhật xanh" với 10.450 lượt đoàn viên, hội viên và người dân tham gia; khơi thông 238km kênh mương nội đồng; thu gom, xử lý trên 24.941 tấn rác; phát quang bụi rậm đối với 258km đường giao thông; trồng trên 93.500 cây xanh và vườn hoa... Hỗ trợ, hướng dẫn bà con thực hiện xây dựng 1.659 nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, 1.982 công trình chuồng trại bảo đảm VSMT...

Không chỉ các phong trào thi đua, nhiều mô hình BVMT cũng được triển khai, phù hợp với từng địa bàn, như: "Toàn dân làm VSMT vì một Hạ Long xanh” ở TP Hạ Long; “Sáng - xanh - sạch - đẹp" ở TX Đông Triều; “VSMT - tạo cảnh quan gắn với phát triển du lịch cộng đồng” ở TP Móng Cái; "Đặt thùng rác nhựa và phân loại rác tại nguồn" tại TP Uông Bí; "Cộng đồng thu gom rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long" do Hội Nông dân tỉnh tổ chức; “Biến rác thành tiền” do Hội LHPN tỉnh thực hiện...

Phụ nữ khu 2 (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình. Ảnh: Vân Anh

Đến nay, các địa phương đã triển khai và nhân rộng trên 1.650 mô hình thu gom rác thải; ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và BVMT; tang lễ văn minh, tiến bộ và BVMT...

Cùng với đó, các địa phương cũng phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò đoàn viên, hội viên trong việc nắm, phản ánh tình hình liên quan đến những vi phạm quy định về công tác BVMT trên địa bàn.

Từ năm 2018 đến nay, nhân dân tại các địa bàn đã phản ánh nhiều nội dung liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về công tác BVMT của các tổ chức, đơn vị, như: Tình trạng ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ việc đổ thải tại khu vực Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả); tình trạng bãi triều tại huyện Vân Đồn đang bị tác động bởi các hoạt động KT-XH, đặc biệt là việc đổ đất lấn biển làm khu đô thị, khai thác cát gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, khiến nhiều loài nhuyễn thể, hải sản trên các bãi triều bị suy giảm...

Thông qua sự vận động, tuyên truyền của MTTQ và các đoàn thể, nhiều công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh đã được nhân dân xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) xây dựng thay thế nhà tiêu tạm bợ hoặc không có nhà tiêu như trước đây.

Thông qua nắm bắt thông tin phản ánh của người dân, MTTQ đã phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức các cuộc giám sát thường xuyên, trực tiếp, không báo trước việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác BVMT, như: Giám sát về môi trường vịnh Hạ Long và một số điểm du lịch trên địa bàn TP Hạ Long, huyện Vân Đồn; giám sát một số đơn vị doanh nghiệp có hoạt động xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn TX Đông Triều, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả; giám sát tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, các trung tâm y tế, phòng khám tư nhân, các làng nghề, cơ sở thu mua phế liệu tại TX Quảng Yên, TP Hạ Long, huyện Hải Hà... Qua giám sát kịp thời phát hiện, đề xuất chính quyền và cơ quan chức năng kịp thời xử lý các tổ chức, đơn vị có hành vi vi phạm quy định về công tác BVMT.

Nhờ phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên tuyền, giám sát BVMT đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác này. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều thực hiện ký cam kết, đăng ký phương án BVMT và thực hiện nghiêm túc những nội dung đã ký kết với chính quyền địa phương; chú trọng đầu tư nguồn lực, xây dựng quy chế, chiến lược phát triển doanh nghiệp gắn với BVMT; chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, xử lý nước thải, khí thải và thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định. 100% xã, phường, thị trấn thành lập tổ tự quản thu gom rác và giao cho các trưởng khu quản lý. Người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8928 Tổng lượt truy cập 91750838