Những trường hợp bị thu hồi, giữ thẻ căn cước công dân

Thẻ căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp thẻ cấp sai quy định; sử dụng thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa...

Công an làm căn cước công dân cho người dân ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: V.Dũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới. Dự thảo luật đã quy định rõ việc thu hồi, giữ thẻ căn cước công dân.

Theo đó, thẻ căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; thẻ căn cước cấp sai quy định; sử dụng thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

Bên cạnh đó, thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Người bị giữ thẻ căn cước quy định như trên khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được trả lại thẻ căn cước.

Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước cho phép người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền thu hồi, giữ thẻ căn cước, dự thảo luật quy định cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước theo quy định.

Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thực hiện thu hồi thẻ căn cước có trách nhiệm giao lại thẻ căn cước đã thu hồi cho cơ quan quản lý căn cước.

Cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành biện pháp tư pháp, cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền giữ thẻ căn cước trong trường hợp quy định.

Tiếp đó, thẻ căn cước được cấp đổi trong các trường hợp: thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh; thay đổi đặc điểm nhận dạng, xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các trường hợp có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước; xác lập lại số định danh cá nhân; khi người được cấp thẻ có yêu cầu.

Người chưa đến độ tuổi phải đổi thẻ căn cước được cấp lại thẻ căn cước trong các trường hợp bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất để cấp lại thẻ căn cước. Việc cấp đổi thẻ căn cước thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 24 của Luật này.

Trường hợp cấp đổi thẻ căn cước do thay đổi thông tin mà thông tin đó chưa được cập nhật, chỉnh sửa trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người cần cấp thẻ phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin đã được thay đổi để thực hiện thủ tục cập nhật, chỉnh sửa thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, thủ tục cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra phải thu lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước đã sử dụng đối với các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước.

Theo laodong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 30524 Tổng lượt truy cập 91787867