Những địa danh liên quan đến rồng ở Quảng Ninh

Quảng Ninh có nhiều địa danh gắn với rồng như chất chứa trong mình khát vọng và niềm tin một ngày rồng sẽ cựa mình, cất cánh bay cao.

Chương trình nghệ thuật "Hạ Long thần tiên" tái hiện truyền thuyết về Vịnh Hạ Long.

Ông cha ta đã lấy chữ “Long” hoặc chữ “Rồng” để đặt tên sông, tên núi, tên đất, hồ, biển tại vùng đất Quảng Ninh xưa. Các địa danh liên quan đến rồng đặt dưới dạng từ Hán Việt hay tên Nôm. Theo thống kê của các tác giả sách "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay", trên địa bàn tỉnh hiện có tổng cộng 33 địa danh mang tên rồng.

Đầu tiên phải nói đến Vịnh Hạ Long, theo chữ Hán là nơi đàn rồng đáp xuống. Cư dân vùng biển Quảng Ninh đã sáng tạo ra truyền thuyết đàn rồng mẹ, rồng con xuống trần giúp đánh đuổi ngoại xâm, phun châu ngọc thành hàng ngàn đảo đá như trận đồ bát quái để chặn giặc. Trước cảnh đẹp của biển, rồng lưu luyến xin ở lại trần gian. Vì thế, ca dao vùng biển Quảng Ninh có câu: "Chín con theo mẹ ròng ròng/ Còn một con út dốc lòng không theo". Rồng trắng được hình tượng hoá từ đảo Ngọc Vừng, là đầu của con rồng; có một bãi cát trắng dài là miệng con rồng, hai bên pháo đài là mắt rồng, đảo Cống Đông - xã Thắng Lợi là cổ của con rồng, Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long là thân của con rồng. Dưới góc nhìn khoa học, Vịnh Hạ Long có từ xa xưa do những kiến tạo địa chất nhưng bên trong tâm thức của người Quảng Ninh từ thời tiền sử, với trí tưởng tượng dân gian bay bổng và ý niệm về cội nguồn "con Rồng, cháu Tiên" đã chọn một cách lý giải độc đáo và thơ mộng như vậy.

Không chỉ Vịnh Hạ Long có truyền thuyết dân gian liên quan đến rồng mà còn có nhiều địa điểm khác cũng có tên gắn với hình tượng rồng. Đó có thể là tên một thị trấn (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn), một thôn (thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên, huyện Hải Hà), khu dân cư Mắt Rồng thuộc phường Phương Đông (TP Uông Bí), rồi đập Mắt Rồng, cảng Cái Rồng, kênh Hàm Rồng... Một số địa danh còn lại liên quan đến rồng gồm các loại núi, 10 địa danh các cánh đồng, xứ đồng, 4 khe suối, 3 sông ngòi, 2 đảo, 2 giếng nước.

Về niên đại, các địa danh gắn với rồng phần lớn được đặt trước năm 1945. Suối Hàm Rồng ở xã Vạn Ninh (TP Móng Cái) có từ thời Gia Long. Hay như núi rồng, mắt rồng ở làng Quỳnh Lôi, tổng Hà Bắc (huyện Yên Hưng) xuất hiện thời Đồng Khánh. Có 2 địa danh người Pháp đặt tên năm 1968 đổi thành tên Việt, đó là đảo Chaatcau Renad (lle du) đổi thành đảo Cái Chiên, trên đảo có thôn Đầu Rồng. Hay như đảo Oisean sau đổi thành đảo Quyến Rồng thuộc vùng biển TP Hạ Long. 

 Vịnh Hạ Long đầu thế kỷ 20 qua ảnh chụp của một người Pháp.

Việc đặt tên địa danh liên quan đến rồng tại Quảng Ninh hiện nay, ngoài các địa danh Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long được lý giải một cách có trật tự thì các địa danh còn lại là do ngẫu nhiên. Ví dụ trong khi đầu rồng ở xã Cái Chiên, huyện Hải Hà, thì trán rồng lại xuất hiện ở xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên. Mắt rồng, hàm rồng tập trung ở TX Quảng Yên nhưng râu rồng lại ở huyện Tiên Yên.

Tuy nhiên, vẫn có điểm chung về cách đặt tên gắn với rồng thường là những địa danh ở vùng biển, hải đảo. Và hơn hết, có điểm chung nữa là tư tưởng và tình cảm của người xưa gửi gắm vào mỗi địa danh huyền thoại. Huyền thoại phản ánh khát vọng, ước mơ của cha ông ta xưa. Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian luôn khắc khoải đi tìm mật mã văn hoá mà cha ông đã gửi gắm vào huyền thoại rồng ở Quảng Ninh. Nếu vén đi bức màn huyền thoại bảng lảng thì còn lại niềm tự hào về quê hương Quảng Ninh với những hòn đảo như là hòn ngọc mà trời ban cho; còn lại là tình yêu quê hương đất nước và khát vọng độc lập, tự cường.

Theo Huỳnh Đăng/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7230 Tổng lượt truy cập 91866281