Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chủ quan ở “giai đoạn nguy hiểm”

Nhiều người bị sốt xuất huyết đến ngày thứ 3 thấy đỡ sốt đã chủ quan. Trong khi, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất, khi người bệnh sẽ có tình trạng sốc, các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu...

Theo cập nhật của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), tại đây đang điều trị khoảng 190 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 49 ca có dấu hiệu cảnh báo và 4 ca nặng, có dấu hiệu sốc. Đặc biệt, có 2 ca có dấu hiệu sốc xuất huyết và sốc mất máu.

Thông tin về 4 ca mắc sốt xuất huyết nặng, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, một ca là sản phụ 34 tuần (Hà Nội) và đã mổ đẻ. Bệnh nhân nhập viện khi mắc sốt xuất huyết ngày thứ 4 và chuyển dạ ngày thứ 6. Hiện tại, bệnh nhân đã bước sang tuần thứ 2 của xuất huyết và tình trạng đã ổn định hơn, tỉnh và tiếp tục được thở máy.

Ca thứ hai là bệnh nhân nữ (46 tuổi, Hà Nội) vào viện khi mắc sốt xuất huyết ngày thứ 6 và có tình trạng xuất huyết dưới cơ thành bụng. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, bị sốc mất máu, suy hô hấp phải thở máy. 

Một trường hợp đặc biệt là người mắc sốt xuất huyết Dengue thể não, trên nền bệnh thận nhân tạo chu kỳ. Bệnh nhân mới vào viện ngày thứ 2 và được chụp cộng hưởng từ để đánh giá mức độ tổn thương não.

Ca bệnh thứ 4 là trường hợp nữ bệnh 90 tuổi vào viện với tình trạng rất nặng và rơi vào tình trạng sốc rất nhanh và bị nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

BS Phúc đánh giá, tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay tương tự so với năm ngoái, khi diễn biến phức tạp với nhiều thể bệnh khác nhau. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue như sốc, sốc mất máu, sốc nhiễm trùng, giảm tiểu cầu hay tình trạng viêm não…

“Trước đây, chúng tôi từng gặp những ca mắc sốt xuất huyết Dengue xuất huyết trong cơ thành bụng. Những vị trí thành bụng, mật độ cơ và mô có kết cấu rất lỏng lẻo, nhất là ở phụ nữ, dẫn đến xuất huyết ồ ạt, cực kỳ khó cầm. Đặc biệt, trường hợp này, bệnh nhân mắc bệnh vào ngày thứ 6, tình trạng tiểu cầu giảm rất thấp, gây rối loạn đông máu và bất kỳ can thiệp vào vị trí xuất huyết đều có thể khiến nguy cơ chảy máu cao hơn. Với bệnh nhân này, chúng tôi đang theo dõi quá trình mất máu, tốc độ mất máu… nếu tốc độ mất máu lớn hơn tốc độ truyền máu vào, chúng tôi bắt buộc phải xử lý về mặt ngoại khoa. Hiện bệnh nhân đang có dấu hiệu chảy máu chậm lại và đang tiếp tục được hỗ trợ truyền chế phẩm máu”, BS Phúc nêu cụ thể ca bệnh sốt xuất huyết nặng.

Cũng theo BS Phúc, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể bị xuất huyết ở rất nhiều vị trí như chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ… Tuy nhiên, xuất huyết ở cơ thành bụng hiếm hơn. Khi phát hiện bệnh nhân mất máu, bác sĩ phải thăm khám kỹ để tìm vị trí xuất huyết. Ví dụ, trong trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết có triệu chứng đau bụng thì bác sĩ phải siêu âm, kiểm tra ngay lập tức để xác định sớm có phải là xuất huyết cơ thành bụng và có hướng xử lý, điều trị phù hợp nhất.

Sốt xuất huyết là dịch bệnh theo mùa và đặc biệt tại Hà Nội đều ghi nhận có dịch hằng năm. Sốt xuất huyết do virus gây ra, với triệu chứng ban đầu giống như mắc các virus khác. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong, khi rơi vào tình trạng sốc, chảy máu… Do vậy, trong thời gian cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, người dân khi có triệu chứng sốt, đau người, mệt mỏi nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhất. 

Cụ thể, từ 1-4 ngày đầu, người bệnh sẽ sốt, mệt mỏi, song chưa có những triệu chứng lâm sàng rầm rộ. Đây chưa phải thời điểm nặng nhất của sốt xuất huyết, nhưng đây là giai đoạn phát hiện và theo dõi, đồng thời dùng thuốc chủ yếu là hạ sốt, điện giải. Giai đoạn ngày thứ 3-thứ 7 là thời kỳ nguy hiểm nhất khi mắc bệnh. Người bệnh sẽ có tình trạng sốc, có các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu…

BS Phúc khuyến cáo, các bệnh nhân khi đã khám sốt xuất huyết lần đầu và được bác sĩ hẹn tái khám thì phải tuân thủ để có thể phát hiện, điều trị kịp thời đúng thời điểm. Thực tế nhiều người khám ở giai đoạn ban đầu, thấy đỡ sốt đã nghĩ mình khỏi bệnh hay nghĩ chỉ là sốt virus thông thường… “Chính vì vậy, thời điểm này nhiều bệnh nhân đỡ sốt hơn và chủ quan ở giai đoạn nguy hiểm này, dẫn đến không được xét nghiệm, không được theo dõi, điều trị dẫn đến tình trạng sốc, rối loạn các chỉ số, đặc biệt là tiểu cầu giảm ở giai đoạn này”.

Theo Thiên Bình/VOV.VN

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15024 Tổng lượt truy cập 91825048