Người đi tìm xưa cũ

Ngôi nhà số 32 nằm cuối dãy phố Hòa Bình, phường Yên Thanh, TP Uông Bí thoạt nhìn qua bên ngoài không có gì đặc biệt, nhưng khi bước vào trong ai nấy cũng đều ngạc nhiên, thích thú bởi gần 300 hiện vật là nông cụ, đồ dùng gia đình Việt truyền thống thời xưa được kỳ công bảo quản, trưng bày. Chủ nhân của ngôi nhà thì luôn mang nét hoài niệm, trầm tư, đúng như cái tên người ta vẫn thường gọi ông - “Biên đồ cổ”.

Gian nhà "nhuốm màu xưa cũ".

Ông Đặng Quốc Biên sinh năm 1949, trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của ông lớn lên với cái cày, cái cuốc, con trâu, sào ruộng… Nét mộc mạc, bình dị của nhà nông dường như đã ngấm sâu trong ông, khắc họa lên gương mặt hiền hậu, gần gũi.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, dù không còn lao động nông nghiệp, ông vẫn luôn giữ cho mình niềm trân quý nghề nông của ông cha. Chẳng vậy mà khi ngành nông nghiệp nước ta ngày càng cải tiến, cơ giới hóa công cụ lao động sản xuất, ông lại nhớ thương, hoài niệm những nông cụ khi xưa… Nhìn chiếc máy cày hiện đại màu đỏ tươi, chạy trên thửa ruộng, lật tung thớ đất nâu màu mỡ, ông vui vì người nông dân nay đã bớt nhọc nhằn, nhưng cũng “mênh mang” vì thiếu vắng đi hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Mong muốn lưu giữ lại chút ký ức thời gian, từ năm 2001 ông Biên bắt đầu sưu tầm nông cụ và đồ dùng gia đình Việt truyền thống. Đồ vật đầu tiên mà ông gìn giữ chính là chiếc cày. Rồi đến những nông, công cụ thân thuộc nhất với nhà nông như: cái bừa, cái cuốc, cái đơm, đôi gầu sòng, đôi quang gánh, chiếc mâm gỗ, chõng tre… Dần dần, ông sưu tầm đồ vật của gia đình Việt khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Mâm gỗ đơn sơ tái hiện những bữa cơm khoai, sắn....

Quá trình tìm về xưa cũ của ông “Biên đồ cổ” cũng lắm công phu. Từ các huyện, thị trong tỉnh, cho đến những nơi xa xôi như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… ông đều đi cả. Người ta đi thăm thú để biết cái mới lạ, còn ông chỉ tìm đến những thứ cũ kỹ, cổ xưa. Mỗi lần gặp, sưu tầm được một nông, công cụ mới ông vui như được trẻ lại. Có những vật phải lặn lội đi về 3, 4 lượt người ta mới thuận ý trao cho ông.

Đa số vật dụng thời xưa được làm bằng gỗ nên việc bảo quản phải thận trọng, tránh mối mọt. Điều này đòi hỏi người sưu tầm như ông Biên không chỉ yêu mà còn phải hiểu đặc tính đồ vật. Hằng ngày, ngoài lau chùi, ông vẫn cặm cụi, tỉ mẩn sửa chữa, phục dựng lại những nông cụ đã long, hỏng. Thế nên qua bao năm những nông công cụ ông lưu giữ vẫn còn nguyên hình dáng, chất liệu xưa.

Ông Biên tỉ mẩn gìn giữ nông cụ xưa.

Kỳ công đi tìm, góp nhặt từng vật dụng, đến nay kho tàng nông cụ xưa của ông Biên cũng đã lên tới gần 300 hiện vật. Mỗi món đồ là một câu chuyện, một kỷ niệm xa xưa. Cái Đó tre đơm tôm gợi ông nhớ về thời ấu thơ, cùng cha đi đánh đó, đánh đăng khắp đầm Phú Thanh; chiếc gầu sòng, gầu giai là hình ảnh người nông dân vừa tát nước cho đồng ruộng vừa cất tiếng hát yêu lao động; Mâm gỗ đơn sơ tái hiện lại những bữa cơm khoai, sắn thiếu thốn mà đầy ắp tình cảm gia đình… Ai đó hỏi ông món đồ nào ông yêu quý, gìn giữ nhất? Ông trầm ngâm, thinh lặng hồi lâu rồi cười hiền hậu: “Với tôi, kỷ vật nào cũng vô cùng trân quý”.

Cùng với thú chơi đồ cổ, ông Biên còn có sở thích về cây cảnh. Sáng mỗi ngày ông chăm sóc cây cảnh, trồng hoa, buổi chiều dành thời gian cho đồ cổ. Hai thú chơi đòi hỏi sự tinh tế, cẩn trọng này mang đến nét thi vị, tao nhã cho cuộc sống tuổi ngoại thất tuần. Ông mong muốn duy trì chúng cho đến khi còn đủ sức khỏe, không chỉ vì niềm yêu thích của bản thân, mà còn để nhắc nhở con cháu gìn giữ cội nguồn, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cùng với thú chơi đồ cổ, ông Biên còn có sở thích về cây cảnh.

Ông dự định sẽ xây dựng một không gian riêng để trưng bày nông, công cụ, để những người yêu thích đồ cổ như ông được gặp gỡ, chuyện trò; là nơi để con cháu, thế hệ trẻ tìm hiểu về nền nông nghiệp, cuộc sống của ông cha… Và nhờ những người như ông, tinh hoa văn hóa truyền thống đất Việt sẽ còn được bảo tồn, lưu lại cho đời sau…

Hồng Hoàn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 33638 Tổng lượt truy cập 91467283