Người bị đỏ mắt cần được thăm, khám để tránh nhầm lẫn và có phương án điều trị kịp thời

Hiện nay đang là cao điểm của dịch đau mắt đỏ, khi số lượng người mắc bệnh tăng cao tại nhiều địa phương, như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Tuy là bệnh lành tính nhưng các bác sĩ khuyến cáo, người bị đỏ mắt cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám để tránh nhầm lẫn giữa đau mắt đỏ và các bệnh khác cũng như có phương án điều trị phù hợp.

Các bác sĩ khuyến cáo người bị đỏ mắt cần được thăm, khám kịp thời.

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, là tình trạng một lớp màng phủ ở phía trước lòng trắng và mặt sau của mi mắt. Đây là một lớp màng mỏng, chứa nhiều mao mạch máu, các tổ chức liên kết và miễn dịch. Khi bị viêm, các mạch máu của lớp màng này cương tụ gây tình trạng đỏ mắt và có hiện tượng tăng cường tiết dịch gây chảy nước mắt hoặc gỉ ghèn. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị đau mắt đỏ; cũng có trường hợp mắc hai lần trong một đợt dịch.

Các bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa cho biết, có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc, như: virus, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng… Năm nay, nguyên nhân chủ yếu là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỷ lệ khác nhau tùy theo vùng dịch tễ.

Với mỗi loại virus có những đặc điểm riêng, như Enterovirus có thể gây bệnh khá cấp tính và diễn biến nặng; Adenovirus hay gây ra viêm giác mạc mạn tính… Nhưng nhìn chung bệnh thường lành tính ít gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực nhưng lại ảnh hưởng nhiều sinh hoạt, học tập và công việc.

Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn của nước bọt, hoặc bắt tay, dùng chung khăn chậu. Bệnh cũng lây gián tiếp qua các tiếp xúc trung gian như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, nước bể bơi… Năm nay, dịch xảy ra đúng mùa tựu trường, là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan rất mạnh. Thống kê tại các địa phương, số ca mắc đang tăng khá cao.

TS, BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam cho biết, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện sau khi tiếp xúc nguồn lây từ 5-7 ngày, đầu tiên với triệu chứng đỏ mắt, sau đó sưng mí, chảy nước mắt và gỉ ghèn, dính chặt mi mắt sau khi ngủ dậy. Mắt cộm cảm giác như có dị vật, tuy nhiên không đau nhức, không mờ mắt. Đây là một điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh đỏ mắt do các nguyên nhân nguy hiểm khác như viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, glaucoma… Ngoài ra, người bệnh còn có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên, sưng đau hạch góc hàm hoặc trước tai nếu nguyên nhân gây bệnh là Adenovirus.

Diễn biến bệnh kéo dài từ 1-2 tuần tùy độc lực của tác nhân và phản ứng của cơ thể. Trong quá trình diễn biến, có thể gây ra những triệu chứng nặng như xuất hiện giả mạc, trợt loét giác mạc. Mắt sưng nề hơn và cộm chói nhiều khó mở mắt, chảy nước mắt màu hồng vì có lẫn máu, khi lật mi lên sẽ thấy xuất hiện lớp màng dày trắng ở mặt trong của mi mắt. Lớp màng này nếu để lâu sẽ dày cứng, cọ sát vào giác mạc (tròng đen), làm giác mạc bị trầy xước hoặc trợt rộng, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc.

Ở giai đoạn lui bệnh viêm kết mạc, thường từ 5-7 ngày, có thể xuất hiện các biến chứng viêm ở trên giác mạc. Viêm này có thể xuất hiện ở lớp biểu mô hoặc dưới biểu mô. Đây là tình trạng viêm miễn dịch với độc tố của virus, thường kéo dài, hay tái phát nên cần được theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa Mắt.

TS, BS Đặng Xuân Nguyên lưu ý, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng khá dễ dàng. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các nguyên nhân khác gây bệnh có triệu chứng gần tương tự nhưng lại có khả năng gây mù lòa. Điều này hay xảy ra đối với bệnh nhân tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị mà không được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Các bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám và điều trị cho một bệnh nhi.

Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì thường sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn. Các chế phẩm dinh dưỡng kết giác mạc hay được dùng như các dạng nước mắt nhân tạo giúp tăng cường khả năng hồi phục của bề mặt nhãn cầu, làm giảm kích ứng và giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt.

Các thuốc kháng viêm dạng corticoid có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể để điều trị các tình trạng viêm quá mức. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc này phải được các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài…

Khi mắt có giả mạc thì nhất thiết phải được làm thủ thuật bóc giả mạc nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho giác mạc. Thủ thuật này phải được làm ở phòng tiểu phẫu vô trùng để tránh bội nhiễm các vi khuẩn khác. Nhiều khi phải bóc giả mạc tới vài lần mới khỏi viêm kết mạc.

Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.

Để phòng tránh bị nhiễm bệnh, trong mùa dịch nên hạn chế chỗ đông người, đeo khẩu trang và kính mắt khi tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc cồn sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với các đồ vật ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ghế ngồi công cộng, máy tính công cộng, tiền giấy… rửa mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Trong các trường học nên tổ chức vệ sinh không gian sinh hoạt học tập vui chơi bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Về ý thức chủ quan, người bị đau mắt đỏ cần tăng cường ý thức vì cộng đồng để tránh lây nhiễm cho người khác, rửa tay trước và sau khi tra thuốc hay vệ sinh mắt, hạn chế sờ tay vào các đồ vật dùng chung, đeo khẩu trang và kính mắt ở nơi công cộng, không đi bơi khi bị đau mắt, không dùng chung khăn chậu rửa với các thành viên khác.

5 khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

1.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14523 Tổng lượt truy cập 91824017