Ngành Than - máu thịt của Vùng mỏ

Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành Than được thể hiện toàn diện trên tất cả các mặt, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đóng góp của ngành Than vẫn giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh, tạo việc làm thường xuyên cho trên 8 vạn lao động, tác động trực tiếp đến gần 1/4 dân số và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh.

Sức mạnh nội sinh của Vùng mỏ

Ngành Than là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất. Ngược dòng lịch sử cách đây 87 năm, cuộc Tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ với tinh thần đoàn kết, “Kỷ luật và Đồng tâm”, dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp và tay sai đã giành thắng lợi vang dội.

Ngày 12/11/1936 viết lên trang sử chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thợ mỏ Việt Nam, đã đi vào lịch sử và trở thành ngày Truyền thống của công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than. 

Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà công nhân Công ty CP Than Vàng Danh. (Ảnh chụp năm 2022)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được khơi dậy phát huy, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp. Trong lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Ninh, sự kiện tiếp quản khu mỏ ngày 25/4/1955 là một dấu mốc quan trọng chấm dứt hơn 70 năm thực dân Pháp đô hộ, xâm chiếm và khai thác than ở Vùng mỏ. Một trong những bài học kinh nghiệm quý của sự kiện đó là sự đoàn kết, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân và nhân dân Vùng mỏ.

Đất nước thống nhất, quân và dân Quảng Ninh bước vào giai đoạn kiến thiết Vùng mỏ ngày càng giàu đẹp hơn. Trong giai đoạn 1955-1975, công nhân Vùng mỏ tập trung khôi phục sản xuất, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Các giai đoạn: 1987-1989, 1997-1999, 2009-2013, 2017-2019 ngành Than liên tục rơi vào tình trạng khó khăn, sản xuất bị đình trệ, sản lượng than tồn kho cao, hàng trăm thợ mỏ bị mất việc, giảm giờ làm…

Thế nhưng, minh chứng cho thấy dù gặp bất cứ thách thức nào khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!” luôn được phát huy. Hàng vạn công nhân cùng lãnh đạo ngành Than đã chủ động đối mặt với khó khăn, tháo gỡ dần từng nút thắt, tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, cần cù chịu khó, phục hồi sản xuất, thực hiện lời dạy của Bác: “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.

Trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát, các đơn vị ngành Than đã kiểm soát dịch chặt chẽ, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong công nhân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, từng khẳng định: Sức mạnh nội sinh để tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đó chính là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ để hun đúc tạo nên nét văn hóa của Quảng Ninh, máu thịt của miền mỏ bất khuất! Chúng ta tự hào vững bước vượt qua khó khăn, thử thách từ truyền thống quý báu của vùng than. Tự hào về truyền thống cách mạng của Vùng mỏ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh càng ý thức hơn về trách nhiệm to lớn trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trước mong muốn, đòi hỏi của nhân dân và trách nhiệm của địa phương đối với sự phát triển của đất nước.

Tăng tốc cùng Quảng Ninh trong hành trình phát triển 

Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” thật sự là sức mạnh nội sinh để Quảng Ninh vững vàng bước tiếp trên chặng đường phát triển bền vững, trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ và là điểm sáng của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Kế thừa và phát huy truyền thống ngành Than, đặc biệt Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy nhanh tốc độ phát triển một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu than trong nước, luôn đảm bảo vai trò cung ứng năng lượng cho các ngành sản xuất trọng điểm, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, ngành Than là ngành kinh tế quan trọng, trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước với vai trò là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các lò chợ Công ty Than Nam Mẫu đang áp dụng công nghệ chống giữ lò hiện đại, đảm bảo công tác an toàn trong ca sản xuất.

Với việc tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, sản lượng than nguyên khai tăng từ trên 30 triệu tấn (năm 2005) lên trên 40 triệu tấn/năm trong vài năm gần đây; đảm bảo việc làm cho hơn 90.000 công nhân, lao động. Hiện nay, ngành Than đang hoạt động tích cực, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của tỉnh về đảm bảo cung cấp đủ than phục vụ hoạt động sản xuất điện.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, 2022, TKV phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, trong đó đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của thợ mỏ. Song tỉnh Quảng Ninh cùng với TKV đã phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, TKV đã sản xuất được 39,4 triệu tấn than (đạt 101% kế hoạch năm), tiêu thụ 46,5 triệu tấn. Doanh thu năm 2022 của TKV đạt 165.900 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay). Trong 8 tháng năm 2023, TKV đã sản xuất được hơn 25 triệu tấn than, tiêu thụ trên 32 triệu tấn. Không những vậy TKV còn là doanh nghiệp nhà nước điển hình về thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn đã dành trên 455 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.

Hoạt động khai thác than trên khai trường Công ty CP Than Cao Sơn.

Hoạt động của ngành Than, trọng điểm là của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Hiện nay, ngành Than đóng góp khoảng 40% thu nhập nội địa toàn tỉnh. Chính sự đóng góp của ngành Than giúp tỉnh Quảng Ninh nhiều năm liên tiếp giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số ấn tượng.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, chia sẻ: Hòa mình trong dòng chảy của lịch sử Vùng mỏ, lớp lớp thế hệ thợ mỏ đang tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất phấn đấu xây dựng ngành Than, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp. Giai đoạn 2020-2025, TKV đặt mục tiêu phấn đấu khai thác 40-42 triệu tấn than/năm, tốc độ doanh thu tăng 5%/năm. 

Trung bình mỗi năm, TKV sản xuất và tiêu thụ trên 40 triệu tấn than cung cấp phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh". Bám sát định hướng này, thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, đảm bảo công tác an toàn, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Đồng thời triển khai hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tập trung nghiên cứu, điều chỉnh quy định về khoáng sản và vật liệu san lấp để địa phương có căn cứ thực hiện; giải quyết khó khăn, vướng mắc của ngành Than về sử dụng đất đá thải mỏ làm sản phẩm san lấp, đáp ứng tiến độ đầu tư các công trình giao thông, đô thị, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.

Theo Hoài Anh - Mạnh Trường - Phạm Tăng/quangninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26086 Tổng lượt truy cập 91780592