Nét đẹp vùng cao Thượng Yên Công

Xã Thượng Yên Công có 48% dân số là người Dao Thanh Y (gần 2.700 người). Trong xu thế hội nhập những năm qua, người Dao Thanh Y nơi đây đã hiện đại hơn rất nhiều, thế nhưng các phong tục, tập quán ngày tết cổ truyền thì vẫn được giữ nguyên vẹn, trở thành nét đẹp của vùng cao Thượng Yên Công.

Nét đẹp trong việc thêu thùa, may vá được phụ nữ Dao thực hiện từ sáng mùng 1 Tết và diện trong những ngày tết. (Ảnh do UBND xã Thượng Yên Công cung cấp)

Từ những ngày đầu tháng Chạp, các gia đình đã chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa tươm tất và từ ngày 8 đến 30 tháng Chạp sẽ làm lễ cúng tổng kết năm hay còn gọi là Tết nhà lớn. Đây là lễ cúng để tạ ơn và báo cáo gia tiên về những thành quả đã đạt được trong năm. Dù giàu hay nghèo, mâm cỗ tổng kết năm sẽ phải có đủ 3 thứ là 1 con gà, 1 miếng thịt lợn, 1 bát ốc. Tết nhà lớn thường được tổ chức tại nhà bố mẹ, nếu bố mẹ không còn thì sẽ tổ chức ở nhà con trai trưởng. Người đứng ra làm lễ cúng phải là người con trai đã được cấp sắc (tức là được cấp đạo sắc, làm lễ đặt tên) hoặc thầy mo. Các gia đình khác khi đến dự đều mang theo một con gà để góp vào lễ cúng tổ tiên này. Đến ngày 27, 28 tháng Chạp, con cháu dù làm ăn xa ở đâu cũng phải quay trở về nhà để đón tết cùng gia đình.

Món bánh truyền thống ngày tết của người Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công vẫn là bánh bột nhân đường. Ngày 30 tết, những người phụ nữ Dao Thanh Y lại quây quần làm bánh bột nhân đường (nguyên liệu chính là gạo nếp và đường đen), có hương vị thơm mát của gạo nếp, màu đỏ của lá cẩm và vị ngọt dịu của đường đen. Đây cũng là loại bánh không thể thiếu được trong mâm cỗ cúng giao thừa và ngày mùng 1 Tết.

Do đời sống của đồng bào Dao ở Thượng Yên Công gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nên từ sáng sớm ngày mùng 1 Tết, việc đầu tiên những người phụ nữ Dao sẽ làm là cho lợn, gà ăn. Còn những người đàn ông sẽ mang 3 hạt giống đi trồng ở vườn. Sau đó, phụ nữ ở nhà thêu các đồ trang sức (quần áo, khăn, thắt lưng, yếm...) và chuẩn bị cơm nước. Những người đàn ông sẽ đến nhà thầy mo để xin lộc cho gia đình rồi mới sang chúc tết ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè.

Tục xông nhà của người Dao Thượng Yên Công cũng có nhiều nét khác biệt, bất cứ ai đến chơi nhà, việc đầu tiên là sẽ xin phép gia chủ thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên để cầu xin phù hộ mọi người khoẻ mạnh, cầu bình an may mắn. Tiếp đó, gia chủ sẽ rót một chén trà, một bát rượu bâu để đáp lễ và gia lộc lại cho khách. Phong tục này sẽ được giữ cho đến tận ngày 15 tháng Giêng.

Bà Triệu Thị Thịnh, thôn Khe Sú 1, Trưởng Ban Công tác mặt trận và cũng là một trong những già làng của người Dao, cho biết thêm: Từ ngày mùng 2 Tết, người Dao ở đây còn tổ chức những hoạt động mang tính cộng đồng tại nhà văn hoá thôn, để người dân có dịp giao lưu, bày tỏ tình cảm như hội thi giã bánh giày, làm bánh bột đường, bánh chưng, hát giao duyên, kéo co, đi cà kheo, ném còn...

Mỗi dân tộc thường có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền, có thể thấy rằng, việc giữ gìn hồn tết của người Dao Thanh Y dưới chân núi thiêng Yên Tử, đã đóng góp và làm dày thêm những nét đẹp bản sắc truyền thống của TP Uông Bí nói riêng và của Quảng Ninh nói chung.

Theo baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 32802 Tổng lượt truy cập 91465848