"Nâng cao ý thức, nhận thức của mọi người khi tham gia mạng xã hội"

Thời gian gần đây, lợi dụng mạng xã hội (MXH) nhiều đối tượng đã bóp méo, xuyên tạc hòng làm sai lệch thông tin, gây bất ổn và hoang mang trong dư luận xã hội. Nhân dịp này, đồng chí Lê Ngọc Hân, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông (ảnh) đã làm rõ một số vấn đề trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với những thông tin độc hại trên môi trường MXH.

- Đồng chí đánh giá thế nào về tính chất “con dao 2 lưỡi” của môi trường MXH hiện nay? Những mặt trái của MXH sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gì?

+ Khi bạn đặt câu hỏi về MXH với khái niệm “con dao 2 lưỡi”, ngay lập tức tôi đã làm một thao tác tìm kiếm trên môi trường mạng. Đó là, lên google, đánh cụm từ “mạng xã hội con dao 2 lưỡi” thì trong 0,77 giây đã cho ra 186.000 kết quả. Như vậy, có thể thấy rất rõ “độ nóng” về tính hai mặt của một loại hình truyền thông mới xuất hiện trong những năm qua bên cạnh các phương thức truyền thông chính thống như báo chí... Chắc chắn, hầu hết, mọi người dùng MXH đều biết về những cái lợi cùng những tiện ích mà nó mang lại, cũng như mặt trái của nó. Theo đó, nếu người dùng không tỉnh táo và không có nhận thức đúng về việc sử dụng hiệu quả, hợp lý, đúng mục đích một cách lành mạnh khi tham gia MXH thì rất dễ bị sa vào mặt trái của nó. Đây là một thực tế đang hiện hữu trong đời sống công nghệ số.

Vậy, mặt trái của MXH là gì? Một câu hỏi mà tôi tin rằng, rất nhiều người đều biết câu trả lời. Nói như vậy bởi, chúng ta đã và đang chứng kiến không ít những tác động xấu từ MXH tới con người bởi các thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc, định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Đơn cử như trong thời gian gần đây, khi Quốc hội đang bàn về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì trên MXH tung ra thông tin xấu, thậm chí xuyên tạc về cơ chế hỗ trợ đất đai gây hoang mang trong dư luận. Theo đó, có không ít người đã tham gia bình luận, chia sẻ trước thông tin không có căn cứ, không có cơ sở, chưa được kiểm chứng. Trong thực tế, chúng ta đã phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng như chỉ vì một vài lời vu khống trên MXH facebook mà có cá nhân đã không chịu nổi áp lực, buộc tìm đến cái chết như một cách giải thoát, chứng minh. Vì vậy, chính trong cộng đồng mạng xuất hiện khái niệm “nút nhấn like, share vô cảm”. Hơn 78% người sử dụng MXH tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên môi trường này - đây là kết quả khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội ở thời điểm tháng 4/2017 đã được công bố trên công luận. Không chỉ vậy, MXH dường như đang “tấn công” cả về sức khoẻ con người khi chúng ta đã được nghe đề cập đến bệnh “nghiện facebook”. Như vậy, những mặt trái của MXH đâu còn là nguy cơ, mà đã hiện diện rất rõ trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

- Gần đây, trên MXH liên tục xuất hiện những thông tin độc hại, không đầy đủ hoặc xuyên tạc sự thật, gây kích động, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người dân, tác động xấu tới dư luận xã hội... Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở TT&TT đã và đang có biện pháp gì để xử lý, ngăn chặn tình trạng trên bùng phát và lan rộng?

+ Vì sao thông tin bịa đặt, xuyên tạc lại “có đất sống” trên môi trường MXH? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, một trong những căn nguyên rất cốt lõi chính từ sự cả tin, dễ dãi và tâm lý đám đông của những người sử dụng MXH. Theo đó, tôi cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả thì trước khi đề cập tới vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng trong việc dẹp bỏ thông tin xấu, độc chính là việc nâng cao ý thức, cũng như nhận thức của mọi người khi tham gia MXH. Để làm được điều này, trước tiên là vai trò tự thân của mỗi cá nhân, cùng với đó là sự đẩy mạnh về công tác tuyên truyền của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể đến với nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt lưu ý đến nhóm người dùng số đông là thanh, thiếu niên để có “sức đề kháng” tốt, thậm chí còn tham gia phản biện lại các thông tin xấu, độc hại trên môi trường MXH.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Sở TT&TT đã rất chú trọng tới công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với vấn đề MXH. Đã có rất nhiều buổi tuyên truyền được triển khai trong các trường học, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp thông tin đến người dân thường xuyên, kịp thời. Gần đây nhất, ngày 17/4/2018, Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2390/UBND-VX4 về việc lập, quản lý hoạt động thông tin, tuyên truyền trên MXH gửi các sở, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức đoàn thể xã hội...

Bên cạnh đó, Sở TT&TT luôn chú trọng tăng cường công tác quản lý, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện các vi phạm để xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh. Đáng chú ý, ngày 3/8/2017, Bộ TT&TT đã có Quyết định 1278/QĐ-BTTTT ban hành Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet”. Theo đó, trong đề án này chú trọng đến tăng cường các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, xây dựng chính sách quản lý thông tin trên MXH. Trên cơ sở đề án của Bộ, Sở TT&TT đang có những triển khai cụ thể để công tác xử lý, ngăn chặn các thông tin xấu, độc hại không chỉ mang tính chất vụ việc.

Tuy nhiên, nhìn ở bình diện rộng hơn, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn, nhưng ở một góc độ nào đó vẫn chưa theo kịp sự phát triển đa dạng, nhanh chóng của công nghệ.

- Đồng chí có chia sẻ hay lời khuyên nào dành cho những người đang lựa chọn sử dụng MXH như một kênh thông tin, đặc biệt là giới trẻ, lứa tuổi thanh, thiếu niên?

+ Trong một bài văn nói về lợi ích và tác hại của MXH, một bạn học sinh lớp 11 đã viết “Mạng xã hội không thể là ông chủ của bạn, chính bạn phải là người điều khiển mạng xã hội”. Gần đây nhất, khi tham gia giao lưu trong “Diễn đàn trẻ em Quảng Ninh 2018” với chủ đề: Trẻ em trong cuộc sống công nghệ số, không ít ý kiến của thành viên diễn đàn là các trẻ em đã cho rằng, cần phải hạn chế sử dụng công nghệ số, đặc biệt là MXH. Với vai trò là một khách mời tham gia giao lưu, tôi đã chia sẻ rằng, nếu nói hạn chế, có vẻ như chưa đúng lắm, thay vì làm như thế, nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách hợp lý, lành mạnh, đúng mục đích trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật thì chắc chắc MXH vẫn sẽ là một kênh giao tiếp thông tin tốt trong đời sống con người.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 35602 Tổng lượt truy cập 91796534