Mỗi thầy cô là một tấm gương

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” luôn được Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các phong trào thi đua và nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nhìn từ một ngôi trường tiêu biểu

Cô Nguyễn Thị Hương Lan, giáo viên môn Lịch sử trong một tiết dạy học sinh.

Cô Lê Thị Thanh Thơ, Hiệu phó Trường THPT Uông Bí chia sẻ: Ngay từ đầu năm, Ban Giám hiệu và Công đoàn trường đã phối hợp tổ chức học chính trị, tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện cuộc vận động Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo. Việc học Bác cũng được cụ thể hóa như học Bác về quan điểm giáo dục, coi trọng định hướng nghề nghiệp; tăng cường học đi đôi với hành; giáo dục và truyền lý tưởng, hoài bão cho học sinh. Đổi mới các tiết sinh hoạt, bổ sung các tiết học tự chọn tạo tính thực tiễn, hấp dẫn trong chương trình giảng dạy để học sinh dễ tiếp thu.

Để việc học Bác thiết thực hơn, trường thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa để giáo viên, học sinh có cơ hội thể hiện, hùng biện, thuyết trình về tư tưởng của Bác. Hàng năm, từ 19-8 đến 2-9, nhà trường đều tổ chức các hoạt động tìm hiểu về di chúc của Bác Hồ trong toàn trường, tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng đến mỗi giáo viên, học sinh về tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người.

Điển hình là gương cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan, giáo viên Lịch sử. Những nghiên cứu của cô không chỉ đóng góp cho sự phát triển của ngành Giáo dục mà còn cho thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, có nhiều dự án có tính ứng dụng thực tiễn hiệu quả như: Giáo dục truyền thống yêu nước cho giới trẻ trong thời đại toàn cầu hóa; quảng bá di tích danh thắng Yên Tử; quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long ra thế giới; mỗi công dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Cô cũng nổi tiếng trong vai trò là một báo cáo viên thuyết trình về chuyên đề học Bác của trường, thành phố. Đồng thời, là một giáo viên giàu năng lượng, truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử. Hàng năm các giải thi học sinh giỏi lịch sử cấp tỉnh, trường THPT Uông Bí luôn đạt nhiều giải nhất. Các học sinh của cô cũng hăng hái tham gia các dự án về lịch sử và đạt được các giải cao từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ tại trường THPT Uông Bí.

Đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong việc học và làm theo Bác đã giúp trường THPT Uông Bí đạt được những thành tích tốt trong công tác giảng dạy và học tập. Năm học 2018-2019 vừa qua, tỷ lệ học sinh trúng tuyển Đại học đợt 1 và điểm trung bình thi THPT Quốc gia của trường xếp thứ 2 toàn tỉnh; 2 học sinh đạt giải cấp quốc gia; 101 em đạt giải cấp tỉnh; 100% cán bộ, giáo viên có đề tài sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới phương pháp quản lý và dạy học, trong đó có nhiều đề tài có tính ứng dụng thiết thực với nhà trường...

Nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa

Bà Đoàn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Ninh cho biết: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, Công đoàn ngành đã phối hợp với chuyên môn triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt là các đợt sinh hoạt chính trị "Học Bác lòng ta trong sáng hơn" trong các cấp công đoàn; kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã có 100% cán bộ, nhà giáo, lao động đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với chủ đề năm 2019: "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo, người lao động luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong hoạt động, góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục. Công đoàn cùng chuyên môn xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ nhà giáo tại đơn vị như một thang điểm thi đua và xem đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong công tác thi đua khen thưởng.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm học 2018-2019 của công đoàn ngành giáo dục Quảng Ninh được nhận Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam.

 Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm cũng được các đơn vị đẩy mạnh, coi đó là nhiệm vụ thiết thực phục vụ cho công tác giảng dạy. Năm học 2018-2019, có 3.182 cán bộ, giáo viên, người lao động đăng ký thực hiện các giải pháp thực hiện thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; 1.581 nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”; 3.060 cán bộ, nhà giáo, lao động đạt danh hiệu lao động tiên tiến; 1766 đề tài sáng kiến cấp cơ sở; 125 đề tài, sáng kiến cấp tỉnh. Đã có 1 tập thể và 2 cá nhân được tặng bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… 

Có thể thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào được phát triển mạnh mẽ trong toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, lao động của ngành Giáo dục. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

 

Theo Thanh Hằng/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12048 Tổng lượt truy cập 91507083