Mọi người dân đều được chăm lo

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là một trong 2 nhiệm vụ được Quảng Ninh lựa chọn làm chủ đề công tác năm. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp không ngừng cải thiện, thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, từ đó, mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả phát triển.

Cơ sở vật chất khang trang của điểm trường Phiêng Sáp, Trường Tiểu học Đồng Tâm (huyện Bình Liêu).

Phát triển đồng bộ

Quảng Ninh luôn xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại, liên thông. Trong đó, tỉnh đã triển khai nhiều dự án giao thông liên huyện, liên xã, kết nối cửa khẩu, vùng động lực như: Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); cải tạo đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C (huyện Bình Liêu)...

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục cải tạo, sửa chữa, nâng cao hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định. Trong đó, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống lưới điện các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Móng Cái, Hải Hà; lập kế hoạch đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện nhằm đảm bảo 100% hộ dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo được sử dụng điện an toàn...

Nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, đến nay 100% xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các huyện, thị xã, thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn thóa thể thao cấp xã, thôn, huyện; lắp đặt dụng cụ thể thao đơn giản tại nhà văn hóa; xây dựng mô hình điểm nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hóa thể thao...

Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phủ sóng di động, cáp quang vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hết năm 2022 đã hoàn thành việc xây dựng trạm phát sóng để phủ 70 vị trí lõm sóng di động và 117 điểm lõm Internet băng thông rộng cố định. Đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất hệ thống thông tin cơ sở, nâng cấp đài truyền thanh xã, duy trì điểm cung cấp dịch vụ bưu chính...

Đáng chú ý, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh để cho vay chương trình giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Toàn tỉnh có trên 2.680 lượt khách hàng, với số tiền vay gần 196,9 tỷ đồng (bao gồm cả vốn thu hồi cho vay quay vòng) để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, ngay đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ủy thác 50 tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh thực hiện cho vay theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vân Đồn thực hiện giao dịch tại xã Hạ Long.

Chăm lo toàn diện

Việc nâng cao đời sống nhân dân là một trong 7 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 trên cơ sở nhất quán quan điểm gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người.

Theo đó, tỉnh sẽ tích cực chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo thông qua việc rà soát, ưu tiên quy hoạch quỹ đất phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp ổn định, định canh, định cư trong vùng DTTS.

Nhân dân rước long ngai xung quanh xóm Đồng Chức tại Lễ hội đình Đồng Chức (xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ). Ảnh: Anh Vũ

Tỉnh cũng sẽ quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động; phấn đấu tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm trong năm 2023.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, BHXH; thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch chăm lo chính sách ưu đãi... 

Tin tưởng với những mục tiêu, giải pháp, quyết sách vì dân, việc không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung chính là động lực để Quảng Ninh phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Theo Cao Quỳnh/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8745 Tổng lượt truy cập 91750514