Lừa đảo công nghệ và cách phòng tránh

Trong thời đại 4.0, Internet và các ứng dụng điện tử trở nên quen thuộc, không thể thiếu, phục vụ đời sống sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ một phút lơ là mất cảnh giác, người dùng có thể bị bốc hơi toàn bộ số tiền tiết kiệm trong các tài khoản ngân hàng, hoặc dính bẫy cọc mua hàng, đầu tư với mức lợi nhuận "trên trời". Do đó, tăng cường cảnh giác, hiểu biết về một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng sẽ tránh được mất tiền, mất niềm tin, không để bản thân trở thành "con mồi" của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao.

Tuyển cộng tác viên bán hàng online

Đây là một hình thức lừa đảo mới nở rộ thời gian gần đây, nhất là từ khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, những người có nhu cầu kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập.

Tháng 12/2021, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng CNC đã tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của anh T.V.T và anh T.T.T (cùng trú tại TP Hạ Long). Hai anh này tố giác đã bị một nhóm đối tượng tạo lập trang Fanpage "Blueprints" giả mạo Công ty CP tư vấn kiến trúc Quảng Ninh để tuyển làm cộng tác viên (CTV) rao bán bản vẽ thiết kế nhà ở. Sau khi chuyển tiền đặt cọc mua bản vẽ thiết kế vào các tài khoản ngân hàng do nhóm đối tượng yêu cầu, hai anh đã bị chiếm đoạt tổng số tiền trên 152 triệu đồng.

Lừa bán bản vẽ thiết kế là một trong những hình thức lừa tuyển CTV xuất hiện khá nhiều thời gian gần đây. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản mạng xã hội "ảo" đăng bài và chạy quảng cáo trên mạng xã hội, qua tin nhắn điện thoại với nội dung "tuyển CTV mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử". CTV có nhiệm vụ đăng bài bán sản phẩm hoặc đặt các đơn hàng ảo để thu hút người mua hàng, với mỗi đơn hàng, CTV sẽ phải đặt hàng và thanh toán trước giá trị đơn hàng. Số tiền này, được cam kết hoàn trả kèm theo “hoa hồng” 10-20% giá trị đơn hàng.

Người dân cần nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mời làm cộng tác viên bán hàng online.

Sau khi kết nối, nạn nhân sẽ được hướng dẫn công việc. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ đầu tiên, sẽ được thanh toán kèm "hoa hồng" đầy đủ nhằm tạo lòng tin. Trong những lần tiếp theo với số lượng đơn hàng lớn hơn, chúng đưa ra nhiều lý do, để tiếp tục chuyển thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền. Lúc này, với tâm lý muốn nhận lại tiền, nạn nhân sẽ tiếp tục chuyển, cho đến khi không còn khả năng chi trả thì bị các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt.

Lừa đặt cọc mua hàng giá rẻ

Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng tài khoản Facebook đăng tải hàng loạt bài viết trên các hội nhóm Facebook thanh lý, mua bán đồ dùng nội thất của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nội dung về thanh lý đồ dùng nội thất như: Tủ lạnh, giường, bàn ghế, tivi… với giá trị thấp nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của người mua để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên các bài viết của mình, đối tượng khóa tính năng bình luận để bắt buộc người mua phải nhắn tin riêng.
Đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước (từ 1-3 triệu đồng/món đồ) để đặt cọc giữ đồ, sau khi nhận được tiền, đối tượng tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nhau (do phải bán đồ gấp, do thời gian xe chạy...) buộc nạn nhân phải chuyển hết số tiền còn lại. Sau khi lừa đảo thành công, đối tượng sẽ lập tức chặn liên lạc với nạn nhân. Tuy số tiền bị lừa không lớn nhưng số lượng người bị lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc tương đối nhiều, gây bức xúc trong dư luận.

Cùng một mặt hàng được các đối tượng đăng ở nhiều nhóm thanh lý tại nhiều địa phương khác nhau, tuy nhiên, địa chỉ đều là giả.

Lừa đầu tư tài chính với mức lợi nhuận "trên giời"

Tháng 2/2022, từ đơn tố cáo của chị P.T.H.N (trú tại TP Hạ Long), lực lượng công an đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và bắt giữ Mạc Văn Lai, trú tại TP Móng Cái giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu cùng 3 đối tượng trong đường dây là Lê Ngọc Hoàng Anh (trú tỉnh Nghệ An); Trần Thị Minh, Trần Văn Quân (đều trú tại TP Móng Cái). Theo đó, tháng 11/2021, thông qua mạng xã hội, chị N có quen và được một người giới thiệu tham gia đầu tư tài chính vào trang web vuonlanrongnghe.net.

Như quảng cáo, lợi nhuận thu về cao và đảm bảo an toàn. Theo đó, cứ đúng 24h tính từ thời điểm đầu tư, sẽ được cộng lợi nhuận của gói đầu tư ấy và ngày hôm sau thì tiền về đúng giờ. Sau khi đầu tư gói 1,5 triệu đồng được rút về thành công, chị N tiếp tục đầu tư gói 36 triệu đồng thì ngay lập tức, số tiền lợi nhuận không rút được nữa.

Qua đấu tranh khai thác, truy xuất dữ liệu từ các vật chứng thu giữ được, cơ quan Công an xác định nhóm đối tượng trên đã tạo lập 45 trang web với nội dung đầu tư tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người tham gia đầu tư. Cơ quan Công an xác định số lượng bị hại bước đầu là hơn 1.600 người, số tiền lừa đảo khoảng 3,6 tỉ đồng. 

Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng CNC, Công an tỉnh cho biết, thủ đoạn của nhóm đối tượng là lập nhiều trang web đầu tư tài chính khác nhau, vẽ ra mỗi trang một dự án đầu tư riêng rồi tiến hành quảng cáo trên các mạng xã hội. Người nào muốn tham gia đầu tư với mức lợi nhuận cao sẽ được đối tượng hướng dẫn mở tài khoản, nạp tiền vào tài khoản do chúng chỉ định. Thêm nữa, nếu giới thiệu được thêm người mới, người đầu tư sẽ được nhận hoa hồng. Tuy nhiên, sau khi tham gia với số tiền lớn, người đầu tư sẽ không thể rút được tiền vốn và lãi về do các đối tượng đã đánh sập trang, chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản rồi lại lập trang web mới để tiếp tục hoạt động lừa đảo.

Giả danh công an, kiểm soát, mạo danh lãnh đạo

Các số điện thoại lạ được các đối tượng sử dụng để đưa chị T vào bẫy.

Tháng 12/2021, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng CNC đã tiếp nhận tố giác về tội phạm của chị N.T.T (trú tại TP Móng Cái) về việc bị một số đối tượng lạ mặt lừa đảo bằng hình thức gọi điện giả danh công an, kiểm sát đe dọa và chiếm đoạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Loại hình lừa đảo này đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn còn hoạt động khá mạnh, thậm chí còn lên một mức độ cao hơn. Sau khi đưa ra các thông tin liên quan đến một vụ án, hoặc một vụ vi phạm pháp luật gây tâm lý hoang mang cho người bị hại, chúng tiếp tục dồn họ vào trạng thái lo sợ, rồi yêu cầu mở tài khoản và nộp tiền vào tài khoản của chính mình để tránh nghi ngờ. Nạn nhân được yêu cầu nhanh chóng nhập các thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, mật khẩu đăng nhập cùng mã Smart OTP trên điện thoại của mình vào địa chỉ website giả mạo Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố do đối tượng dựng sẵn. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu nạn nhân xóa ứng dụng giao dịch ngân hàng trực tuyến trên điện thoại, tắt thông báo tin nhắn. Và như vậy, nạn nhân đã tự tay đưa tiền, tài sản của mình vào tay của đối tượng lừa đảo.

Quá trình điều tra, lực lượng công an xác định nhóm lừa đảo thường thuê tổng đài ảo VOIP của công ty dịch vụ, với các dịch vụ kèm theo. Từ đó, chúng có thể thực hiện chọn thuê đầu số dễ dàng mà không bị ràng buộc về mã vùng địa lý. +255; +375; +370; +381; +563; +1688... là những đầu số có nguy cơ do đối tượng lừa đảo gọi điện để thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, chúng còn giả mạo các đồng chí lãnh đạo để nhắn tin cho cấp dưới hoặc doanh nghiệp với mục đích đòi tiền. Việc làm này gây mất uy tín, danh dự cho các đồng chí lãnh đạo. Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo thường dùng sim rác, và trước khi hành động, đều có nghiên cứu rõ về danh sách đối tượng để phù hợp, tránh gây nghi ngờ. Hình thức lừa đảo này đã xuất hiện ngay tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, hiện tại chưa có căn cứ xử lý.

Làm gì để không mắc bẫy?

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) lập sơ đồ hành vi, thủ đoạn của các đối tượng.

Nguyên nhân lớn nhất và đầu tiên để đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo của mình trên nền tảng điện tử chính là do các nạn nhân đã để lộ thông tin cá nhân. Từ đây, chúng có cả một kho tài nguyên để khai thác. Hoạt động trên không gian mạng tuy ảo nhưng bị lừa là thật, mất tiền là thật, bởi những tài khoản này đều do con người sử dụng. 

Để đối phó với các thủ đoạn lừa đảo như trên, Trung tá Nguyễn Trọng Hà, Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm TTATXH, Phòng An ninh mạng và PCTTP sử dụng CNC (Công an tỉnh) khuyến cáo: Người dùng tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như ảnh thẻ, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản, mật khẩu, mã PIN đăng nhập, mã Smart OTP của các dịch vụ thanh toán trực tuyến lên các trang web không rõ nguồn gốc hoặc người không quen biết qua mạng Internet.

Luôn đề phòng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn của người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... tránh bị đưa vào thế hoang mang, bị động. Bởi căn cứ theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến công dân khi có nhu cầu làm việc để thu thập thông tin, làm rõ nội dung vụ việc.

Tuyệt đối không tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng không quen biết. Khi thấy các dấu hiệu đáng ngờ như mức lợi nhuận cam kết cao bất thường thì thường có dấu hiệu lừa đảo. Khi đầu tư, phải kiểm chứng được đối tác của mình. Ngoài ra, khi làm CTV cho bất kỳ đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ hay sàn thương mại điện tử nào, cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để kiểm chứng tính chính xác, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác với các tin rao vặt, bán hàng trên không gian mạng, đặc biệt các mặt hàng có mức giá thấp, đánh vào tâm lý ham rẻ của người mua; nếu thực sự có nhu cầu mua bán, trao đổi thì hạn chế thanh toán, chuyển khoản toàn bộ giá trị mặt hàng qua ngân hàng cho người mà mình không quen biết, ưu tiên trả trước một phần hoặc thanh toán sau khi nhận và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, tránh bị các đối tượng giả danh lợi dụng, thực hiện hành vi lừa đảo, hù dọa và chiếm đoạt tài sản, gây mất ANTT trên địa bàn.

Theo Hằng Ngần/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18767 Tổng lượt truy cập 91517563