Lợi ích từ chủ trương liên thông các mỏ của TKV

Một trong những chiến lược phát triển hạ tầng kỹ thuật khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong tương lai là liên kết các mỏ có cùng khoáng sàng. Điều này có nghĩa là một số mỏ sẽ nằm trong lộ trình hợp nhất, một số mỏ khác sẽ sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật trong điều kiện tương đồng. Liên kết các mỏ giúp TKV tiết kiệm được chi phí sản xuất, chi phí đầu tư và khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, trong bối cảnh điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, phức tạp.

Vào tháng 7/2020, TKV đã đón tấn than đầu tiên từ công trình lò vận tải xuyên vỉa từ mức +131 Công ty Than Uông Bí sang mức +122 Công ty Than Vàng Danh. Đây là công trình liên thông đầu tiên giữa hai mỏ hầm lò có cùng khoáng sàng được TKV kỳ vọng sẽ là bước đầu trong lộ trình kết nối các mỏ than khu vực miền Tây tỉnh Quảng Ninh. 

Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp lò vận chuyển than khu vực Đồng Vông đi nhà máy Tuyển Vàng Danh II (Công ty  CP Than Vàng Danh) do Công ty Than Uông Bí làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2019, với kinh phí trên 98 tỷ đồng. Trong đó có gần 1km đường lò được xây mới, còn lại là nâng cấp thành một công trình vận tải ngầm có tổng chiều dài hơn 1,8km.

Trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng và thiết bị sẵn có của hai đơn vị gồm hệ thống đường sắt, hệ thống điện, tàu điện, goòng, đường lò cũ…, Công ty Than Uông Bí và Công ty Than Vàng Danh đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Hệ thống đường sắt trong đường lò cũ của hai đơn vị được tận dụng tối đa ở dự án đầu tư lò xuyên vỉa.

Theo mục tiêu của dự án, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình sẽ đáp ứng vận tải 700.000 tấn than nguyên khai/năm từ mỏ Đồng Vông về Nhà máy Tuyển than Vàng Danh II. Sau đó, thông qua hệ thống đường sắt, băng tải, than sẽ được cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, đảm bảo yêu cầu của khách hàng.

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, công trình vận tải than liên thông hai mỏ Uông Bí - Vàng Danh đã khẳng định hiệu quả đầu tư. Lợi ích quan trọng nhất mà dự án mang lại về môi trường, xã hội và kinh tế. 

Chấm dứt vận tải than bằng đường bộ để chuyển sang vận tải bằng đường sắt và băng tải là thể hiện rõ nhất cam kết của ngành than với tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tuyến đường vào mỏ giờ đây đã không còn tình trạng bụi than phát tán như trước. An ninh trật tự khu vực Vàng Danh, Uông Bí, Hoành Bồ cũng được đảm bảo hơn.

Mặt khác, về lợi ích kinh tế, rõ ràng Than Uông Bí tiết giảm được nhiều nhân công và chi phí về môi trường, từ khi hoạt động của lò xuyên vỉa đi vào ổn định. Vận tải bằng đường sắt với chi phí thấp hơn so với đường bộ cũng chính là một lợi thế để Than Uông Bí giảm giá thành sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí, chi phí vận tải than bằng đường sắt giúp đơn vị tiết kiệm được hơn 2.000 đồng/tấn than so với hình thức vận tải bằng ô tô như trước đây. Ngoài ra, với hình thức vận tải mới này, Than Uông Bí tiết kiệm được chi phí về môi trường, chi phí đầu tư xe ô tô vận chuyển than mới, chi phí về nhân công...

Công ty Than Uông Bí vận tải than từ cửa lò mức +131 (Khu Đồng Vông, Công ty Than Uông Bí) sang cửa lò mức +122 (Công ty Than Vàng Danh) để cấp cho Nhà máy Tuyển Vàng Danh II.

Hiện nay, sản lượng than TKV giao cho Uông Bí khai thác là trên 2,6 triệu tấn/năm. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Than Uông Bí đã sản xuất được 1,75 triệu tấn than, bằng 67,3% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng than vận tải qua lò xuyên vỉa chiếm khoảng 20% tổng sản lượng than nguyên khai của mỏ.

Bên cạnh đó, lợi ích về mặt kỹ thuật và an toàn lao động cũng được cả hai đơn vị ghi nhận. Thay đổi hình thức vận chuyển than từ đường bộ sang đường sắt đã giúp Than Uông Bí giảm được 6km cung độ vận tải. Về phía Than Vàng Danh, thời gian giao nhận than từ khu Đồng Vông sang khu Khe Thần giảm đáng kể so với trước đã giúp đơn vị đảm bảo tiến độ cấp than cho Nhà máy Tuyển Vàng Danh II, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Vận tải than bằng đường sắt kết hợp băng tải cũng giúp nâng cao công tác an toàn lao động. 

Dự kiến, trong năm 2022, Công ty Than Uông Bí sẽ vận chuyển trên 570.000 tấn than qua đường lò xuyên vỉa. Sau năm 2025, khối lượng vận chuyển này sẽ đạt trên 1 triệu tấn than - vượt công suất dự án. 

Liên thông các mỏ có cùng khoáng sàng là chủ trương lâu dài của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Chủ trương này nhằm khai thác tối đa hạ tầng kỹ thuật dùng chung giữa các mỏ, giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề về chi phí sản xuất, môi trường, hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh. "Trên cơ sở hiệu quả dùng chung hệ thống đường mỏ, khu vực đổ thải và hạ tầng kỹ thuật các mỏ hầm lò có cùng điều kiện, TKV đang tiếp tục nghiên cứu, tiến tới liên thông các mỏ cùng khoáng sàng ở cả ba vùng than là Cẩm Phả, Hòn Gai và Uông Bí" - ông Nguyễn Quế Thanh, Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Công nghệ mỏ TKV, cho biết. 

Theo Hoàng Yến/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23302 Tổng lượt truy cập 91775461