KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 - 7.5.2024): Lòng nhân ái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quyết định về phương án tác chiến lịch sử

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cách đây 70 năm về trước, quyết định từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã thể hiện trí tuệ, tư duy quân sự sắc sảo, nhạy bén trong điều hành chiến lược của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Ông Đỗ Ca Sơn - nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1. Ảnh: T.Vương

Lòng nhân ái của Đại tướng, Tổng Tư lệnh

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc đọ sức lớn nhất, quyết liệt nhất, toàn diện nhất giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân viễn chinh Pháp để giành thế chủ động trên chiến trường sau 8 năm giằng co.

Khi bước vào chiến dịch này, nhờ cầu hàng không nối liền với đồng bằng, tướng Navarre đã đưa quân số tại Điện Biên Phủ lên tới 16.000 binh sĩ tinh nhuệ cùng với những trang thiết bị hiện đại nhất do người Mỹ viện trợ.

Trong khi đó, quân đội ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi. Và một trong những quyết định mang tính lịch sử đó là thay đổi phương án tác chiến của quân và dân ta từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ông Đỗ Ca Sơn - nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1 - kể: Ban đầu, quân địch ở Điện Biên Phủ mới có 9 tiểu đoàn, công sự chưa vững chắc, bố phòng còn sơ hở. Do vậy, Bộ Chỉ huy tiền phương có chủ trương: Khi địch còn đứng chân chưa vững, sẽ vận dụng chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”, dốc toàn lực lượng trong 3 đêm 2 ngày tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đi đến kết thúc chiến dịch. Nhưng chỉ ít ngày sau đó, tướng Navarre tăng cường thêm quân.

Mỗi ngày qua đi, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy rõ không thể đánh nhanh được. Văng vẳng bên tai ông là lời dặn trước lúc lên đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tướng quân tại ngoại, giao chú toàn quyền quyết định” và “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”.

Tình hình khẩn trương, cần sớm có quyết định. Tổng Tư lệnh quay về sở chỉ huy, họp đảng ủy chiến dịch, bàn bạc thay đổi cách đánh. Nguyên tắc cao nhất được Tổng Tư lệnh lựa chọn là: Đánh chắc thắng. Để đảm bảo nguyên tắc này, ông chuyển sang phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; đồng thời quyết định hoãn cuộc tiến công, chuẩn bị phương án tác chiến mới.

“Bây giờ, chúng ta nói đến những mỹ từ vĩ đại nhưng sự thật lúc đó ở góc độ người lính, chúng tôi nhìn rất đơn giản: Thứ nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghĩ đến trách nhiệm của Tổng Tư lệnh quân đội với Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị. Nếu đơn vị ào ào vượt qua quãng trống 1.000m kiểu sóng người thì chắc chắn… thua trận. Thứ hai là lòng nhân ái của Tổng Tư lệnh. Ông thương chiến sĩ. Ông biết đánh kiểu sóng người sẽ hy sinh rất nhiều xương máu. Quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đó là hết sức nhân đạo” - ông Đỗ Ca Sơn chia sẻ với PV Lao Động.

Quyết định có tính lịch sử

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Lương Thanh Hân - Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, quyết định từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và những chỉ đạo đã thể hiện trí tuệ, tư duy quân sự sắc sảo, nhạy bén trong điều hành chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đây là quyết định và những chỉ đạo dựa trên cơ sở khoa học, xem xét khách quan, toàn diện cục diện chiến trường; đồng thời thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, trách nhiệm cao cả trước lịch sử và trước sinh mệnh bộ đội của người chỉ huy. Quyết định này “có tính lịch sử mà những hệ quả của nó đã mở ra tương lai của Việt Nam và đã thay đổi bộ mặt của thế giới thứ ba”.

Sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ cùng toàn quân lập nên chiến công lững lẫy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà còn để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng, trong đó có những quyết định lịch sử và chỉ đạo kiên quyết, chính xác, góp phần quyết định trực tiếp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

70 năm đã trôi qua, Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng công lao to lớn cùng dấu ấn sâu đậm của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn mãi với dân tộc ta.

Theo laodong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4329 Tổng lượt truy cập 91743186