Kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than 15/11 (1968-2023): Sáng mãi ngọn lửa truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm"

Ngày 15/11/1968, tại cuộc gặp Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than, Bác căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”. Khắc ghi lời dạy của Bác trong suốt chặng đường 55 năm qua, công nhân, cán bộ ngành Than đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh hằng năm, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Bác Hồ gặp mặt công nhân, cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968. Ảnh tư liệu của TKV.

Khu mỏ Quảng Ninh, nhất là khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả là một vùng sản xuất than quan trọng phục vụ đắc lực cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế quốc dân của miền Bắc. Trong những năm chiến tranh ác liệt, xuất khẩu than từ Cửa Ông là một trong những nguồn ngoại tệ lớn nhất của đất nước, góp phần thiết thực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vì vậy, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, Cửa Ông là một trong những mục tiêu trọng điểm kẻ thù đánh phá hòng làm tê liệt yết hầu kinh tế này.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, cán bộ, công nhân Nhà máy Xí nghiệp Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông) đã ra sức thi đua vừa bám trụ tăng gia sản xuất vừa lập chốt chiến đấu giữ vững dòng than cho Tổ quốc. Giữa khói bom lửa đạn, sản xuất của Xí nghiệp không những giữ vững, mà còn hoàn thành vượt mức các kế hoạch Nhà nước giao. Năm 1966 và năm 1968, Bác Hồ đã biểu dương và ghi tên Xí nghiệp Bến Cửa Ông trên “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất”.

Ngày 30/3/1959, Bác Hồ thăm Công trường khai thác than mỏ Đèo Nai (TP Cẩm Phả). Ảnh tư liệu

Đồng chí Đỗ Văn Tăng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Tuyển than Cửa Ông, chia sẻ: 55 năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than. Từng lời căn dặn của Bác năm xưa đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị với các thế hệ thợ mỏ. Phát huy truyền thống đó, lớp lớp thế hệ trong Công ty đang tiếp tục phát huy tinh thần thi đua sáng tạo, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác là đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp.

Trong suốt 55 năm thực hiện lời dặn của Bác, Công ty Tuyển than Cửa Ông đã không ngừng cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nắm bắt thời cơ và vận hội mới, nỗ lực hết mình, lao động sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch được giao hằng năm. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, sản lượng than mua mỏ của Tuyển than Cửa Ông đều đạt trên 40 triệu tấn, than nhập khẩu đạt trên 2,4 triệu tấn, than sản xuất đạt trên 37,2 triệu tấn, than tiêu thụ đạt trên 39,8 triệu tấn, doanh thu đạt trên 70.600 tỷ đồng, lợi nhuận tổng số đạt 443 tỷ đồng. Trong những ngày này, Công ty đang phát động thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023; thi đua “Ngày công cao - Sản lượng cao - Thu nhập cao”; thi đua 90 ngày đêm hoàn thành sản xuất, tiêu thụ than quý IV... 

Thực hiện lời căn dặn của Bác “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”, trong những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư ứng dụng mạnh mẽ “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào các công đoạn sản xuất và kinh doanh. Đáng chú ý trong chiến dịch thi đua 55 năm Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than, TKV đã đăng ký đảm nhận 3 công trình trọng điểm, gồm: Đào lò và lắp đặt thiết bị phục vụ cơ giới hóa vận chuyển người, vật tư thiết bị mức +0 đến -175 giếng Vàng Danh (Công ty CP Than Vàng Danh); hệ thống monoray kết hợp đầu tàu diesel (Công ty Than Thống Nhất); lắp đặt trạm phân phối 6kV số 1, 2 và 3 mức -350m khu Khe Chàm II-IV (Công ty Than Hạ Long). Tổng mức đầu tư của 3 công trình trọng điểm là hơn 95 tỷ đồng. Đến nay, 3 công trình này đã đưa vào hoạt động, đáp ứng phục vụ sản xuất và phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn đã tạo đột phá trong ứng dụng cơ giới hóa khi đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa tại 8 đơn vị, gồm: Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Khe Chàm, Than Núi Béo, Than Mông Dương, Than Dương Huy, Than Quang Hanh và Than Uông Bí. Hiện nay các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2-5 lần so với lò chợ bình thường. Bình quân mỗi năm sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11-14% tổng sản lượng than hầm lò.

Chủ trương đầu tư “3 hóa” của TKV là hướng đi chiến lược trong bối cảnh các mỏ đang gặp khó khăn, áp lực sản lượng khi diện sản xuất ngày càng xuống sâu. Khi áp dụng, nhân rộng các mô hình cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa sẽ giảm bớt lao động thủ công, giúp cải thiện điều kiện làm việc và tăng hệ số an toàn cho công nhân trong các ca lao động sản xuất.

Công nhân Công ty Than Hạ Long điều khiển hệ thống giàn chống trong lò chợ.

Hiện nay, đóng góp của ngành Than vẫn giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm TKV khai thác và tiêu thụ khoảng 39-42 triệu tấn than nguyên khai đáp ứng nhu cầu cung cấp than phục vụ cho các ngành nghề kinh tế.

Riêng 10 tháng năm 2023, toàn Tập đoàn đã sản xuất trên 31,5 triệu tấn than nguyên khai, cung cấp than cho các hộ điện đạt 33,11 triệu tấn, bằng 86% kế hoạch năm. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt trên 138.600 tỷ đồng; lợi nhuận dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 22.500 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch năm; thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 15,9 triệu đồng/người/tháng.

Song hành với sản xuất kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm. Hằng năm, TKV dành kinh phí 1.100 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, TKV đang tiếp tục triển khai Đề án bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030; kế hoạch tổng thể cải tạo phục hồi môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030”. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, tập trung tái sử dụng nước thải mỏ và đất đá thải.

Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng”, những người thợ mỏ đã thi đua không ngừng xây dựng hình ảnh và thương hiệu của một Tập đoàn lớn, và ở mọi thời điểm, ngành Than luôn khẳng định vị trí vững vàng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, khắc ghi lời Bác căn dặn “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.

Theo Phạm Tăng/baoquangninh.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 31111 Tổng lượt truy cập 92022888