Kinh tế tăng trưởng nhưng lương công chức, viên chức còn thấp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%). Tuy nhiên, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ kinh tế tăng trưởng cao, vượt khó khăn thách thức. Ảnh: QH

Tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt kịch bản đặt ra

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 20.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Thủ tướng nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, đất nước ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế.

Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đã làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Thêm vào đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu, phấn đấu trong tháng 12.2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Thủ tướng cũng cho hay, việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả.

Đến nay, giảm 7 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 60 vụ và tương đương (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến giảm 17 tổng cục và tương đương, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục, bộ; 22 đơn vị sự nghiệp và giảm căn bản phòng trong vụ.

Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỉ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý một số tồn tại hạn chế, khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Cụ thể là ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.

Thủ tướng nhìn nhận, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục (39.552 người thôi việc, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021).

Thủ tướng cũng lưu ý, kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật.

Minh bạch điều hành giá điện, xăng dầu

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Trong các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Thủ tướng cũng lưu ý đến việc có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác. 

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng nêu rõ, đó là thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ cũng yêu cầu kịp thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Tập trung triển khai đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; có giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân và xóa nhà tạm tại các huyện nghèo…

Theo laodong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21641 Tổng lượt truy cập 91706249