Kĩ năng cần phải biết để sống sót trong đám cháy

Trung tá, TS Ngô Văn Anh - Phó Trưởng khoa Chữa cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy - chia sẻ một số kĩ năng cần có để sống sót khỏi một vụ cháy.

Một số kĩ năng xử lí khi gặp hoả hoạn, cháy nổ. Đồ họa: Trà My

Những biện pháp phòng cháy

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Ngô Văn Anh cho rằng, mỗi căn nhà đều có sự nguy hiểm khác nhau. Ý thức con người đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng cháy.

“Nguyên nhân dẫn đến các đám cháy phần nhiều là do sự cố thiết bị điện. Do đó, mỗi người nên nhớ tắt các thiết bị tiêu thụ điện, cắt điện, cúp cầu giao khi ra khỏi nhà, thay thế thiết bị dây dẫn khi có dấu hiệu cũ, hỏng, không nên chắp nối vì ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cháy nổ.

Phải lắp các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, aptomat…) cho hệ thống điện của nhà theo từng tầng, từng nhánh mà có thiết bị tiêu thụ điện lớn. Thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng hay tuổi thọ của các thiết bị” - TS Văn Anh nói và cho hay, thực nghiệm chỉ ra rằng thời gian chỉ khoảng 3-5 phút là ngọn lửa đã bao trùm căn phòng 20-30 mét vuông.

Gia đình bày càng nhiều đồ đạc thì cháy càng nhanh, nếu phát hiện sớm có thể sử dụng thiết bị chữa cháy ban đầu như chăn, bình chữa cháy.

“Mỗi gia đình chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho người trong gia đình, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ. Dự kiến các lối thoát hiểm khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng, đường sang nhà hàng xóm. Không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã bố trí lồng phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải đặt nơi dễ thấy, dễ lấy và mọi người trong nhà phải biết” - TS Ngô Văn Anh lưu ý.

Phó Trưởng khoa Chữa cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cũng khuyến cáo, khi bố trí thờ cúng hợp lý, phía trần trên chỗ đặt bàn thờ phải làm vật liệu không cháy, thắp hương, hóa vàng phải có người trông coi.

Đồng thời, không tích trữ các vật liệu dễ cháy trong nhà mình, cần dự trữ thì số lượng nên ít nhất và để khu vực riêng biệt, tránh nhầm lẫn. Các phương tiện: Ôtô, xe máy có xăng dầu, các vật liệu dễ cháy tránh xa nguồn nhiệt. Thiết bị có xăng, dầu phải bịt kín.

Ngoài ra, vị trí đặt bình gas, bếp gas phải thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công, đồ dùng, hàng hóa vật liệu dễ cháy phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, cách nguồn nhiệt gây cháy nhỏ nhất là 50cm.

Xử lý khi có cháy

Chuyên gia này nhấn mạnh, 80% nạn nhân chết trong đám cháy là do ngạt khói khí độc, nên trang bị sẵn mặt nạ phòng độc. Khi phải thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che mặt, cơ thể, không chạy núp trong phòng, nhà vệ sinh, buồng tắm… tổ chức chữa cháy, cứu người, tài sản, đồng thời gọi báo cháy cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) theo số máy 114.

Trường hợp cháy ở chung cư cần:

Xem cầu thang thoát hiểm có bị nhiễm khói không, không thì đi theo lối này thoát ra ngoài. Nếu có khói, tuyệt đối không đi vào. Nếu cầu thang thoát hiểm bị nhiễm khói thì vào phòng đóng cửa lại, dùng băng keo, giẻ ướt dán khe cửa để khói không lọt được vào.

Nếu có ban công, lô gia thì chạy ra đây đợi lính chữa cháy chuyên nghiệp cứu. Nếu khói theo đường ban công thì nên đeo mặt nạ phòng độc, hoặc khăn ướt để tránh ngạt khói. Sử dụng khăn, vải sáng màu ra hiệu. Nếu là ban tối có thể sử dụng điện thoại hoặc vật phát sáng để ra hiệu vị trí của mình.

Không vào nhà vệ sinh, trừ khi là vào nhúng nước khăn, giẻ, vải quần áo.

Không nhảy xuống dưới vì từ tầng 3 trở lên với khoảng cách với mặt đất 7m, nguy cơ thương vong là cực lớn.

Theo laodong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 22356 Tổng lượt truy cập 91946488