Khuyến khích học nghề bằng những chính sách kịp thời, phù hợp

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là đối tượng thanh niên. Tỉnh đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở dạy nghề, học sinh tham gia học nghề. Đồng thời, quan tâm và đầu tư nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng cho người lao động; thực hiện các chương trình, dự án việc làm và tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Sau hơn 2 năm triển khai (2021-2023) Nghị quyết số 310, các địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ cho 20.930 lượt người với kinh phí là 19.664,06 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ trình độ Cao đẳng là 1.478 lượt người với kinh phí hỗ trợ là 5.869,162 triệu đồng; trình độ Trung cấp là 392 người, với kinh phí hỗ trợ là 1.168,756 triệu đồng; hỗ trợ học viên học nghề trình độ trung cấp kết hợp học văn hóa chương trình THPT là 19.060 lượt người với kinh phí hỗ trợ là 12.626,141 triệu đồng.

Một số địa phương triển khai, thực hiện chính sách hiệu quả cho đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 310 là TP Hạ Long (3.708 lượt người), Cẩm Phả (3.356 lượt người), Uông Bí (4.061 lượt người), Đông Triều (3.330 lượt người), Quảng Yên (2.623 lượt người), Móng Cái (1.258 lượt người). Tuy nhiên, cũng có những địa phương triển khai đạt hiệu quả thấp như Cô Tô (9 lượt người), Ba Chẽ (11 lượt người), Bình Liêu (03 lượt người)…

Theo đánh giá, việc ban hành Nghị quyết số 310 đảm bảo kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, là một giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia học các nghề mà tỉnh cần thu hút, các ngành nghề khó tuyển sinh nhưng thị trường lao động đang cần nhằm tăng số lượng lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng trong lực lượng lao động. Nhờ đó, đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hằng năm (năm 2022 đạt 85,5%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%). Chính sách hỗ trợ học nghề đã tạo cơ hội cho nhiều học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Việc thực hiện chính sách đã góp phần vào việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực có tay nghề cao của doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI của tỉnh, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cũng gặp một số khó khăn, hạn chế, số học sinh, sinh viên tham gia học các nghề khuyến khích đào tạo đạt số lượng thấp so với dự kiến. Nguyên nhân là do mức hỗ trợ thấp chưa có sức hút cho người tham gia học tập, số nghề khuyến khích đào tạo còn ít (15 nghề) nên người học có ít sự lựa chọn ngành nghề học tập, một số nghề khuyến khích không tuyển sinh đào tạo được, hoặc tuyển sinh được ít không đủ số lượng mở lớp. Mặt khác, công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề chưa thật sự hiệu quả.  Một bộ phận không nhỏ cha mẹ học sinh chưa nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp, tâm lí sính “bằng cấp” vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, một số sinh viên học các ngành nghề khuyến khích đào tạo ở trình độ đại học chưa được hỗ trợ.

Trước những vấn đề này, hiện Quảng Ninh nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh tại Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND. Qua đó, nhằm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các chính sách này phải hướng đến đào tạo những ngành, nghề tỉnh đang cần thu hút, cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới; hướng đến thu hút lao động có kỹ năng, tay nghề cao, nhân lực chất lượng cao trong tỉnh cũng như thu hút từ các địa phương khác trong cả nước về Quảng Ninh sinh sống, học tập và làm việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích người học tham gia học nghề, nhất là đối với những nghề tỉnh đang cần thu hút đáp ứng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn tới.

Theo Bảo Bình/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 51128 Tổng lượt truy cập 91576199