Không lơ là với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, các ngành, địa phương đã chủ động phương án phòng, chống dịch.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và tình hình tái đàn của các hộ chăn nuôi ở xã Bình Khê, TX Đông Triều, ngày 11/2.

Ngày 18/1/2020, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã được phát hiện tại gia đình ông Đào Văn Chung, thôn Tây, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, với tổng số 2.500 con bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân là do đàn gà của hộ gia đình này chưa được tiêm vắc-xin cúm gia cầm. Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cùng các phòng chức năng, nghiệp vụ đã tiến hành kiểm tra những biểu hiện triệu chứng lâm sàng của đàn gia cầm. Đồng thời, gửi mẫu xác nhận đến Chi cục Thú y vùng 2. Đoàn đã hướng dẫn hộ nuôi thực hiện tiêu hủy đàn gia cầm, vệ sinh tiêu độc môi trường, tiếp tục dọn dẹp phân rác, rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh.

Để hạn chế tình trạng bùng phát, lây lan của dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng thời các biện pháp dập dịch. Nhờ vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Đầm Hà nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung không có phát sinh ổ dịch cúm gia cầm mới. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhận định: Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh chóng, các địa phương cần chủ động các phương án phòng và chống dịch. Đồng thời, tránh tâm lý chủ quan, chưa chủ động tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm tại một số hộ chăn nuôi tại địa phương.

Từ cuối năm 2019 tới nay, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, trừ dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, vật nuôi thuỷ sản; xử lý kịp thời những trường hợp phát sinh nếu có, kiên quyết không để dịch, bệnh lây lan trên diện rộng…

Đáng chú ý có Kế hoạch số 252/KH-UBND ban hành ngày 12/11/2019 về phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 đã đề ra các mục tiêu: Tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, ngăn chặn không để các nhánh, các chủng virus mới nguy hiểm, xâm nhiễm vào và lây lan trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm. UBND tỉnh cũng dự kiến nguồn kinh phí khoảng 44,8 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch gia cầm, trong đó tập trung nguồn lực cho việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và mua vật tư, hóa chất, bảo hộ phòng chống dịch.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh nông nghiệp năm 2020, với nhiều nội dung chỉ đạo phòng, chống dịch trên cả cây trồng và vật nuôi. Nguồn kinh phí cho việc phòng trừ dịch bệnh hơn 14,3 tỷ đồng.

Mô hình nuôi gà của hộ gia đình anh Phạm Văn Thành, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ, thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Không chỉ cấp tỉnh, việc xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng được các cấp địa phương triển khai nghiêm túc. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm, đăng ký số lượng gia súc, gia cầm tiêm để chuẩn bị sẵn lượng vắc-xin cần thiết. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng chủ động tuyên truyền đến nông dân về các phương pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, sản xuất; theo dõi, nắm chắc các thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp để phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh việc chống dịch, công tác tái sản xuất, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, nhất là tái chăn nuôi đàn lợn cũng là nhiệm vụ được nhiều địa phương chú trọng. Nhất là khâu chọn con giống, kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tốt các yêu cầu, quy trình tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng các ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật tiên tiến…

Theo ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều: Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 27.000 con lợn với trên 1.100 hộ chăn nuôi, tập trung ở các xã Yên Thọ, Tân Việt, Bình Khê, An Sinh… Các trại chăn nuôi đã giữ được giống lợn nái khỏe, hiện việc tái đàn tập trung chủ yếu từ các con giống do đàn nái của các trang trại trên địa bàn. Một số ít nhập giống từ những đơn vị, công ty đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện vệ sinh, phun khử tiêu độc, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tái đàn lợn sau dịch đảm bảo không quá 10% tổng đàn.

Theo Hoàng Quỳnh/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/khong-lo-la-voi-dich-benh-tren-gia-suc-gia-cam-2471361/

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3114 Tổng lượt truy cập 91490618