Khởi nghiệp thành công từ nuôi chim bồ câu

Nông nghiệp là một môi trường đầy hấp dẫn, song cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Để thành công trong môi trường này đòi hỏi tư duy năng động, sáng tạo và cả bản lĩnh. Đoàn Quang Tùng (SN 1990, phường Yên Thanh, TP Uông Bí) là một trong những bạn trẻ đã lựa chọn cho mình con đường khó khăn ấy để khởi nghiệp.

Đoàn Quang Tùng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu.

Dù khó khăn, nhưng Tùng đã bước đầu thành công khi đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng trang trại hơn 5.000m2 nuôi chim bồ câu Pháp, tại phường Yên Thanh (TP Uông Bí). Với quy mô nuôi 1 vạn con, trang trại này thuộc tốp lớn nhất trên địa bàn tỉnh, với các trang thiết bị hiện đại, như máy ấp trứng, máy nhào trộn thức ăn, quạt làm mát…

Gần 1 năm nuôi chim bồ câu, 6 tháng trở lại đây trang trại của Tùng đều đặn cung cấp ra thị trường mỗi tháng 5.000-6.000 con, doanh thu 350 triệu đồng/tháng, lợi nhuận 100 triệu đồng/tháng; tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng ghi nhận, dù mới khởi nghiệp nhưng mô hình của Tùng đã nhanh chóng cho thấy hiệu quả. Doanh nghiệp đã tiến thêm một bước nhận bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ con giống và kỹ thuật cho các hộ nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh nuôi bồ câu, Đoàn Quang Tùng còn kinh doanh nhiều dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước; được Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn Uông Bí khen thưởng doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc.

Theo doanh nhân trẻ này thì kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là đam mê của anh. Vì thế, dù được đào tạo bài bản 4 năm ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Raffles (Australia), nhưng Tùng vẫn quyết định trở về quê hương Uông Bí lập nghiệp. Qua tìm hiểu, Tùng nhận thấy một số vật nuôi như lợn, gà đang bão hòa, rủi ro bệnh dịch cao; trong khi nuôi chim bồ câu đầu tư thuận lợi, lợi nhuận cao, kỹ thuật không nhiều, chỉ cần sự tỉ mỉ, chịu khó. Để đầu tư mô hình thành công, Tùng đã đến nhiều trang trại nuôi chim bồ câu ở miền Bắc để học hỏi kinh nghiệm. Có thời điểm Tùng còn làm thuê cho một trang trại nuôi chim bồ câu ở tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm.

Trứng chim bồ câu được đưa vào máy ấp sẽ đảm bảo tỷ lệ nở cao.

Để đến được với đam mê, trước đó Tùng đã trải qua một số ngành nghề kinh doanh nhằm có trải nghiệm và tích lũy. Vốn đầu tư quy mô lớn tới trên 3 tỷ đồng, Tùng không vay mượn gia đình, mà hoàn toàn sử dụng nguồn vốn tích lũy của mình, cũng như huy động nguồn lực đầu tư bên ngoài. Nhờ những nỗ lực đó, mô hình nuôi chim bồ câu của Tùng đã đem lại hiệu quả.

Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp trẻ TP Uông Bí Trần Xuân Trường đánh giá: Dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, song Tùng không dựa dẫm, ỷ lại vào gia đình, mà quyết tâm tìm kiếm sự nghiệp cho riêng mình. Đoàn Quang Tùng là tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp của TP Uông Bí. Trên địa bàn thành phố có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với nhiều mô hình, lĩnh vực khác nhau, song đều dựa trên thế mạnh của địa phương.

Say sưa với nghề nuôi chim bồ câu, thời gian tới Đoàn Quang Tùng dự định mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng tập hợp các hộ nuôi chim bồ câu trong vùng thành lập hợp tác xã. Theo Tùng, hiện nay khá nhiều hộ nuôi chim bồ câu trên địa bàn, hợp tác xã được thành lập sẽ đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho các thành viên đồng thời hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, nhất là tránh được tình trạng thương lái ép giá, đảm bảo quyền lợi cho người nuôi.

Theo Thanh Hằng/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 25312 Tổng lượt truy cập 91530534