Khái quát về Di sản – Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử) là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ nằm trong vùng địa lý của Dãy núi Yên Tử - một bộ phận của Cánh cung Đông Triều ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Cánh cung Đông Triều dài khoảng 270km, được chia làm ba đoạn, khởi điểm từ biên giới Việt - Trung theo phương Đông Bắc – Tây Nam (hay còn gọi là đoạn 1, dài khoảng 140km, đỉnh cao nhất 1.507m), chuyển dần sang phương á vĩ tuyến (đoạn 2, dài khoảng 70km, thường được gọi là Dãy núi Yên Tử) và sau đó sang phương Tây Bắc - Đông Nam (đoạn 3, dài khoảng 60km, đỉnh cao nhất 1.592m là dãy núi Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Dãy núi Yên Tử thường được ví như một con rồng lớn đang vươn mình ra biển, gồm nhiều đoạn ngắn, tạo nên địa hình gồm nhiều đỉnh nhấp nhô dạng vây rồng cao trung bình trên 600m. Cao nhất là đầu rồng - đỉnh Yên Tử (1.068m), thấp dần về phía Tây với các đỉnh Phật Sơn (1.000m), Ngọa Vân, Hồ Thiên (900m), Thanh Mai (800m), Quan Âm (780m), Huyền Đinh, Thằng Người (Hình Nhân) (700m), Lòng Thuyền (600m)..., đến Côn Sơn - Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang chỉ còn khoảng 200 - 240m và ở đoạn đuôi - dãy núi Phượng Hoàng - thì còn thấp hơn nữa. Giữa chúng là các yên ngựa thấp hơn, từ xa xưa đã được con người sử dụng để đi lại giữa các khu vực ở phía Bắc và phía Nam Dãy núi Yên Tử. Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử với hàng trăm di tích và danh thắng, thuộc đoạn thứ hai - Dãy núi Yên Tử, trên địa bàn của ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Vị trí các khu Di tích Quốc gia Đặc biệt trong Khu di sản đề cử.

 Quần thể Di sản đề cử trình Unesco công nhận là Di sản thế giới thuộc dạng chuỗi liên hoàn gồm 20 di tích thành phần được lựa chọn từ hàng trăm di tích và danh thắng thuộc phạm vi của 06 Khu Di tích Quốc gia và Di tích Quốc gia Đặc biệt trên địa bàn 03 tỉnh, bao gồm: Khu di tích và danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; Các Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà thuộc Khu di tích Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang.

Khu di sản chủ yếu là vùng miền núi nhưng cũng trải rộng xuống vùng ven biển với tổng diện tích của quần thể di tích Yên Tử đề cử là 6.466,75 ha. Trong đó, diện tích của 20 di sản thành phần là 628,488 ha, diện tích vùng đệm là 5.838,26 ha bao gồm các khu rừng, đất nông nghiệp nông thôn và một số khu vực dân cư nhỏ. Thuộc tính nổi bật của Yên Tử là có nhiều khu khảo cổ học và các công trình tín ngưỡng thờ Phật, các vị thần và anh hùng dân tộc hoặc chứng kiến các sự kiện lịch sử đặc biệt. Dù đã tồn tại hơn bảy thế kỷ, nhưng quẩn thể này vẫn tiếp tục là những di sản văn hóa sống động cho đến tận ngày nay.

Yên Tử nổi bật ở châu Á và trên thế giới như là nơi khai sinh Phật giáo Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam, đồng thời là quê hương của họ Trần - dòng họ đã tạo dựng nên một trong những triều đại quân chủ rực rỡ nhất ở Đại Việt vào thế kỷ 13-14. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ giữa tư tưởng tôn giáo và quyền lực nhà nước, các lãnh tụ của Phật giáo Trúc Lâm và các vua Trần đã làm thay đổi đời sống tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của đất nước, tạo nên một quốc gia Đại Việt vững mạnh và có chủ quyền. Mối liên hệ hài hòa giữa con người và môi trường được thể hiện qua việc bố trí các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh ở những nơi có đặc điểm địa chất, địa hình thuận lợi, sẵn có tài nguyên thiên nhiên phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn trước thiên tai, địch họa. Sự hiểu biết sâu sắc về các đặc điểm địa hình, thủy văn, chế độ thủy triều và thời tiết cũng góp phần vào sự phát triển, an ninh quốc phòng của đất nước trong thời kỳ Đại Việt.

Khu di sản đề cử thuộc dạng chuỗi liên hoàn gồm 20 di tích thành phần được lựa chọn từ hàng trăm di tích và danh thắng kể trên. Nơi đây có nhiều di tích và công trình liên quan đến truyền thống văn hóa của nhà Trần, một triều đại phong kiến đã cai trị đất nước Đại Việt trong khoảng thế kỷ 13-14, đồng thời là nơi khởi phát của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, tự chủ và hùng mạnh.

Hai mươi di tích thành phần bao gồm các cụm di tích:

Cụm di tích liên quan đến nơi sinh thành của họ Trần và nơi yên nghỉ của nhiều vị vua và hoàng tộc triều Trần gồm: Thái Miếu, Đền An Sinh, Thái Lăng thuộc khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Đền Kiếp Bạc thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Bản đồ khoanh vùng bảo vệ điểm di tích thành phần (Chùa Bí Thượng, Chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực, Chùa Lân, Khu di tích và danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh).

Cụm di tích liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm trên Dãy núi Yên Tử gồm các di tích: Chùa Bí Thượng; chùa Suối Tắm; chùa Cầm Thực; chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử; cụm di tích chùa Hoa Yên với các điểm di tích chùa Giải Oan, đường Tùng, Vườn Tháp Huệ Quang và Hòn Ngọc; Am Thiền Định, thác Ngự Dội, thác Vàng; chùa Một Mái; am Hoa, Am Dược, Am Thung, Thác Bạc; chùa Vân Tiêu, Tháp Vọng Tiên Cung; chùa Bảo Sái; Tượng An Kỳ Sinh; Tượng Phật Hoàng nhập Niết - bàn và bia A Di Đà Phật; chùa Đồng thuộc khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; cụm di tích Am – Chùa Ngọa Vân thuộc khu di tích lịch sử nhà Trần ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Cụm di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang và thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm gồm: Chùa Hồ Thiên thuộc khu di tích lịch sử nhà Trần ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; chùa Vĩnh Nghiêm thuộc khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang; chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Cụm di tích liên quan đến thời kỳ chấn hưng và hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm gồm: Cụm di tích chùa Ngọa Vân thuộc khu di tích nhà Trần ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; chùa Bổ Đà thuộc  Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang; chùa Nhẫm Dương thuộc khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Cụm di tích liên quan đến vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm trong cuộc sống Đại Việt và truyền thống sử dụng tài nguyên đất, nước… của người Việt: Động kính chủ thuộc khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; di tích Bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc khu di tích lịch sử Bạch Đằng thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Mỗi di tích, cụm di tích của các Di tích Quốc gia, Quốc gia Đặc biệt kể trên đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chúng có chung vùng đệm đã được công nhận và phê duyệt với các cụm di tích, di tích khác của mỗi Di tích Quốc gia, Quốc gia Đặc biệt.

Kim Thủy

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1581 Tổng lượt truy cập 91581908