Giao dịch vũ khí toàn cầu lập mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh

Nhu cầu về vũ khí tăng mạnh từ Trung Đông và châu Á đã đẩy việc chuyển giao vũ khí toàn cầu lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ qua.

Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) được công bố ngày 20/2 cho thấy, giao dịch vũ khí toàn cầu trong 5 năm qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Cụ thể, hoạt động mua bán vũ khí trên toàn thế giới đã tăng 8,4% trong giai đoạn 2012-2016 so với thời kỳ 2007-2011.

Mỹ và Nga đóng góp trên một nửa sản lượng vũ khí thế giới trong 5 năm qua.

Về xuất khẩu, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm thị phần 33%. Kế tiếp là Nga với tỉ lệ 23%. Cùng với Trung Quốc (6,2%), Pháp (6%), Đức (5,6%), Mỹ và Nga kiểm soát gần 75% thị trường xuất khẩu vũ khí hạng nặng trên thế giới.

Thị phần của 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Nghiên cứu của SIPRI còn chỉ ra rằng, Mỹ và Pháp là hai nước cung cấp vũ khí chính cho Trung Đông, trong khi Nga và Trung Quốc là nguồn cung cấp cho châu Á.

Ấn Độ, Saudi Arabia dẫn đầu về nhập khẩu vũ khí

Nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Ấn Độ, do nước này ít hoặc hầu như không sản xuất vũ khí trong nước. Ấn Độ mua phần lớn khí tài từ Nga với thị phần 13%. Đứng vị trí thứ hai là Saudi Arabia với thị phần 8%. Trong 5 năm qua, Saudi Arabia đã tăng gần gấp ba lượng vũ khí nhập khẩu so với giai đoạn 2007-2011 và nước này mua một nửa số lượng khí tài của Mỹ và phần còn lại từ Anh và Tây Ban Nha.

Trung Quốc, các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Algeria cũng là những nước nhập khẩu lớn về vũ khí.

Khu vực Trung Đông tăng gần gấp đôi lượng khí tài nhập khẩu trong 5 năm qua so với giai đoạn 2007-2011, chiếm thị phần 29%.

Mỹ là nước cung cấp vũ khí hạng nặng chính cho khu vực Trung Đông.

Khu vực châu Á và châu Đại Dương chiếm 43% lượng nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2012-2016. Theo SIPRI, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Biển Đông, một số nước Đông Nam Á đã đẩy mạnh nhập khẩu tàu hải quân, tầu ngàu và máy bay chiến đấu.

Nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ Latinh giảm

Hoạt động nhập khẩu vũ khí từ châu Âu trong 5 năm qua giảm 1/3 do chi tiêu quốc phòng cắt giảm, do đó, châu lục này chỉ chiếm thị phần 11% nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Ngoại trừ Mexico đẩy mạnh nhập khẩu, khu vực châu Mỹ Latinh cũng giảm đáng kể lượng vũ khí nhập khẩu./.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6420 Tổng lượt truy cập 91589610