Giảm thiểu hậu quả do thiên tai: Vẫn còn chủ quan và bị động

Những năm gần đây, các cấp, các ngành luôn quan tâm đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai, qua đó đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tuy vậy, có lúc, có nơi vẫn còn tư tưởng chủ quan dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Trẻ em xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà vui đùa trên ngầm tràn trong lúc nước lũ về mà không lường trước nguy hiểm.

Nhiều địa phương thiếu chủ động

Để phòng chống thiên tai, trước mùa bão lũ, UBND tỉnh luôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong việc kiện toàn lực lượng chỉ huy, đổi mới cách phân công, phân nhiệm cho lực lượng thực hiện; rà soát và bố trí vốn khắc phục các "điểm đen” dễ xảy ra nguy hiểm khi mưa bão; xây dựng và triển khai phương án PCTT&TKCN sát thực tế, ưu tiên “4 tại chỗ"; quy định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương khi để xảy ra thiệt hại về người do bão lũ; dành nguồn lực để triển khai đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm…

Tuy nhiên, trong khi cấp tỉnh “nóng” thì một số địa phương vẫn chưa thực sự chủ động trong phòng chống thiên tai, nhiều nhiệm vụ thực hiện còn yếu. Đơn cử như trong đề án tổng thể di dân khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, đến thời điểm này vẫn còn 2 địa phương được đánh giá có tiềm lực là Cẩm Phả và Vân Đồn chưa hoàn thành. Riêng huyện Vân Đồn, ngoài dự án di dân tổng thể của tỉnh còn được giao nhiệm vụ đưa 69 hộ ngư dân xã đảo Thắng Lợi lên bờ từ năm 2015, tuy nhiên hiện nay mới bắt đầu thực hiện.

Sau các đợt ngập lụt lịch sử, tại 2 địa phương là Cẩm Phả và Hạ Long đã tập trung đầu tư, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước. Năm 2017, Uông Bí cũng là địa phương dành nguồn lực cho các công trình phòng chống thiên tai khi chiếm tới 60% tổng vốn XDCB toàn thành phố. Tuy nhiên, các địa phương còn lại chưa thực sự ưu tiên cho nhiệm vụ này.

Về thực hiện phương án "4 tại chỗ", theo tổng hợp báo cáo của tỉnh, các địa phương đều triển khai khá tốt 3 nội dung về chỉ huy, lực lượng và hậu cần tại chỗ, riêng nội dung vật tư tại chỗ luôn yếu và thiếu, không có đơn vị nào tự cân đối ngân sách địa phương cho nhiệm vụ này, mà chủ yếu trông chờ vào nguồn phân bổ từ quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh. Mới đây 6 địa phương là Cẩm Phả, Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Ba Chẽ tiếp tục đề xuất được sử dụng quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh 22,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong khi năm 2017 diễn ra hàng chục cuộc diễn tập PCTT&TKCN thì từ đầu năm 2018 đến nay, mới có huyện Cô Tô tổ chức vào tháng 4 vừa qua, tất cả các địa phương còn lại đều chưa tổ chức. Các địa phương cũng chưa thực hiện nghiêm túc quy chế công tác trực ban phòng chống thiên tai của tỉnh ban hành, trong đó nhiều thông tin không được báo hoặc không báo kịp thời cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Doanh nghiệp, người dân còn chủ quan

Với đặc thù đồi núi rất dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét; hệ thống sông, suối của nhiều địa phương trong tỉnh như Bình Liêu, Ba Chẽ thường bị lũ cuốn, lũ quét. Điều này rất dễ gây nguy hiểm cho người dân nếu chủ quan, lơ là. Thế nhưng thực tế không ít người dân chưa nhận thức hết tính nghiêm trọng của vấn đề, mặc dù đã được cảnh báo song vẫn bất chấp, liều lĩnh đi qua các ngầm, tràn khi nước lũ tràn về.

Năm 2017, TP Uông Bí là một trong số ít địa phương dành 60% tổng chi XDCB cho các công trình phòng chống thiên tai.

Một số người, để tránh sự ngăn cản của lực lượng chức năng còn tự đi theo các đường mòn, lối mở, đường tắt. Anh Phạm Văn Đường, cán bộ xã Húc Động, huyện Bình Liêu cho biết: Là xã miền núi, Húc Động có rất nhiều đường mòn, lối mở, không thể kiểm soát hết được; nguy cơ về sạt trượt đất đá cũng rất cao vì có rất nhiều đồi núi không có cây rừng và địa hình biến đổi liên tục do nhiều tác động. Chính bởi vậy, chỉ khi người dân có ý thức tự bảo vệ mình, tránh đi qua những nơi nguy hiểm, chứ chính quyền không thể bảo vệ hết được.

Hơn nữa, vẫn còn không ít người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì thói quen làm nhà cạnh các lưu vực sông suối, vị trí đất cao thiếu ổn định dẫn đến nguy cơ sạt trượt, vùi lấp nhà cửa. Đáng nói, nhiều hộ dân mặc dù đang ở vị trí nguy hiểm song không hợp tác với chính quyền để di dời, khiến phải cưỡng chế. Đơn cử như trường hợp TP Hạ Long buộc phải cưỡng chế một hộ gia đình để tránh bị đất đá trên dự án Monaco đổ xuống nhà trong đợt mưa cuối tháng 6 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Hạ Long cho biết: Trong khi số ngư dân trên biển và vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh rất lớn, nguy cơ nguy hiểm cao, song do có sự chuẩn bị phòng chống và phối hợp tốt với chính quyền nên nhiều năm qua không xảy ra trường hợp thiệt hại lớn thì trên đất liền, vốn an toàn hơn nhưng do sự chủ quan của người dân nên đã có những sự cố rất đáng tiếc, gây thiệt hại về người. 

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chủ đầu tư các dự án xây dựng cũng chưa thực sự chú trọng công tác bảo vệ an toàn trong thi công công trình trong mùa mưa lũ; phòng, chống, giảm thiểu, khắc phục hậu quả ảnh hưởng cho dân cư. Hiện toàn tỉnh có rất nhiều dự án đang thi công, tất cả đều có nguy cơ tràn đất đá ra đường hoặc tạo ra các điểm sạt trượt trong mùa mưa lũ, gây nguy hiểm cho người dân.

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3559 Tổng lượt truy cập 91802831