Gắn phát triển văn hóa với du lịch

Không chỉ bảo tồn, gìn giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú mà các thế hệ cha ông xây dựng được qua hàng nghìn năm lịch sử, Quảng Ninh đã và đang từng bước phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa trong đời sống hôm nay, phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là một trong số 4 di sản văn hóa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh.

Chỉ trong vòng gần chục năm trở lại đây, Quảng Ninh có tới 4 di sản văn hóa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích Yên Tử, Bạch Đằng, nhà Trần ở Đông Triều, đền Cửa Ông) và 4 di sản được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nghi lễ Then cổ, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội miếu Tiên Công).

Không chỉ nâng tầm di sản mà diện mạo các di sản đã có sự thay đổi rất lớn. Các di tích gốc được tu bổ, tôn tạo, đi kèm đó là hạ tầng giao thông, dịch vụ phục vụ du khách cũng hiện đại, văn minh hơn trước rất nhiều, với tổng kinh phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, cộng đồng dân cư địa phương.

Khách sạn Legacy nằm trong quần thể các công trình thuộc Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư tại Yên Tử.

Nổi bật là các di sản nhà Trần, từ chỗ bị vùi lấp trong hoang sơ đã “thức giấc”, thời vàng son năm xưa giờ đây dần phát lộ qua hệ thống mặt bằng khảo cổ ẩn chứa vẻ đẹp khiến giới nghiên cứu khoa học ngỡ ngàng. Các di tích cũng đã, đang nằm trong lộ trình để phục hồi như chùa Ngọa Vân, Thái miếu, Quỳnh Lâm, Trung Tiết, Hồ Thiên, đền An Sinh, Đá Chồng, Ba Bậc...

Yên Tử - Kinh đô Phật giáo Đại Việt vẫn trầm mặc với thời gian giữa rừng xanh còn dưới chân núi, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với quần thể làng hành hương, trung tâm lễ hội, bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông, khách sạn Legacy... với nhiều công trình đã, đang đi vào giai đoạn hoàn thiện lại là một điểm nhấn nữa với kiến trúc hiện đại, mô phỏng những nét văn hóa xưa. Hay di tích đền Cửa Ông được quy hoạch lại với việc phục hồi đền Trung, di chuyển tượng Đức Ông Trần Quốc Tảng lên đồi cao với tầm nhìn hướng ra biển và hàng loạt hạng mục khác tạo thành một quần thể khang trang, hoành tráng...

Các nghệ nhân người Dao (huyện Hoành Bồ) trình diễn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc của Quảng Ninh.

Cùng với đó là sự “hồi sinh” của hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Quảng Ninh, đồng thời trở thành điểm đến thu hút hàng triệu lượt du khách bốn phương tham quan, vãng cảnh hàng năm.

Đặc biệt, giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn rất được coi trọng, được phục dựng lại và trình diễn trong các lễ hội đình, chùa hàng năm, trong ngày hội văn hóa của các địa phương. Ở cấp tỉnh, các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào đã được đưa vào chương trình Carnaval trong nhiều năm qua, được dàn dựng trong các chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch... Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc của Quảng Ninh được tổ chức thường niên từ 2 năm qua vào dịp cuối năm tại Tiên Yên, cũng hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào. Còn vào mùa xuân trong khoảng chục năm gần đây, không khí lễ hội ở các địa phương khu vực miền Đông của tỉnh rất rộn ràng. Các lễ hội thực sự trở thành ngày hội của đồng bào, thu hút đông đảo người dân và du khách, như: Lễ hội đình làng Dạ, lễ hội đình Lục Nà, lễ hội đình Trà Cổ và nhiều ngày hội văn hóa của các địa phương.

Các điểm di tích của Quảng Ninh thu hút hàng triệu lượt du khách hằng năm.

Hiện nay, nhiều địa phương còn xây dựng các bản, làng phục vụ du lịch từ khai thác các giá trị văn hóa bản địa, như: Khu bảo tồn bản văn hóa Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ), bản văn hóa du lịch người Tày tại thôn Đồng Thanh (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu), phát triển du lịch cộng đồng theo hình thức homestay tại Khe Sú (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí)… Qua đây, các di sản của đồng bào từ nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, văn hóa ẩm thực… đã trở thành niềm tự hào gìn giữ, phát huy của các thế hệ, nhất là với lớp trẻ trên địa bàn, đồng thời có cơ hội lan tỏa tới bè bạn, du khách bốn phương…

Biểu diễn chèo tại đình Hổ Lao (TX Đông Triều).

Theo Phan Hằng/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26019 Tổng lượt truy cập 92014904