Đừng kỳ thị, hãy hỗ trợ, giúp đỡ F0 đã được điều trị khỏi về địa phương đi học, đi làm

Với sự tận tâm của các y bác sỹ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cùng sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, TP Uông Bí đã có 27/84 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, ra viện, bàn giao về địa phương theo dõi, quản lý theo qui định của Bộ Y tế. Trong thời gian tới, tiếp tục sẽ có thêm các BN khác được điều trị ổn định, đủ điều kiện ra viện. Trong đó có nhiều trường hợp là công nhân, học sinh.

Cùng đoàn kết, chung tay hỗ trợ với F0 và F0 đã điều trị khỏi để sớm đưa mọi hoạt động của thành phố  trở lại trạng thái bình thường mới.

Gia tăng các ca F0 được điều trị khỏi là tín hiệu tích cực, góp phần quan trọng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, có một thực tế tại các địa phương là sau khi xuất viện, các ca F0 đã khỏi bệnh dù tiếp tục được theo dõi, giám sát y tế tại nhà trong 14 ngày, đủ điều kiện đảm bảo an toàn theo qui định của Bộ Y tế để đi làm, đi học trở lại, song vẫn bị cộng đồng, đồng nghiệp tại nơi làm việc, bạn học xa lánh, kỳ thị.

Có trường hợp dù đã khỏi bệnh, hoàn thành thời gian cách ly tại nhà theo qui định, được xét nghiệm 3 lần âm tính, nhưng vẫn không dám ra khỏi nhà, kể cả đi chợ vì sợ nhận phải những lời bàn tán, ánh mắt e ngại, xa lánh của hàng xóm, láng giềng. Có trường hợp công nhân không may nhiễm bệnh, khi đã điều trị khỏi, đi làm trở lại bị những người cùng phân xưởng “tẩy chay”, hoặc nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, coi như “tội đồ”. Cách đây chưa lâu, câu chuyện một nam sinh lớp 12 ở Bắc Ninh bê tráp thuê cho đám cưới không may dương tính với SARS-CoV-2 đã bị một số người trên cộng đồng mạng phán xét là “hám tiền rước họa vào thân”, không tiếc lời chỉ trích em cùng gia đình đem dịch bệnh về khiến làng xóm phải lao đao…

Dù không phải phổ biến nhưng đã xuất hiện việc kỳ thị người mắc hoặc đã từng mắc COVID-19 bằng nhiều hình thức như: bằng lời nói, cử chỉ, hành động đổ lỗi không chỉ đối với họ mà còn đối với người thân của họ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo, sự kỳ thị với người nhiễm Covid-19 có thể gây ra những hậu quả khó lường như: khiến nhiều người muốn che giấu bệnh để không bị kỳ thị; ngăn cản mọi người không sớm tìm đến các cơ sở y tế chữa trị và không khuyến khích được họ thực hiện những hành vi lành mạnh bảo vệ bản thân và người khác. Tất cả những rào cản đó có nguy cơ gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng hơn.

Theo các bác sỹ trực tiếp điều trị cho F0: Các trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh có nồng độ kháng thể nhất định, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. Do đó, nguy cơ tái nhiễm của họ không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh. F0 đã khỏi bệnh không thể gọi là nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị, sợ lây nhiễm bệnh Covid-19 từ F0 đã khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, xét về góc độ tâm lý, người nhiễm virus SARS-CoV-2 phải chiến đấu chống lại Covid-19 trong thời gian dài, nên rất dễ căng thẳng, hoang mang, mặc cảm, sợ hãi bị kỳ thị. Nếu khi về địa phương, trở lại lao động, học tập, cộng đồng, đồng nghiệp, bạn bè xa lánh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý không chỉ đối với người đã bị nhiễm bệnh mà còn đối với người có nguy cơ nhiễm bệnh. Tâm lý lo sợ lan truyền khiến những người không may trở thành F0 hoặc có tiếp xúc gần với F0 có khuynh hướng giấu giếm, che đậy, không dám khai báo, không dám xét nghiệm, càng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tinh thần rất quan trọng. Không ai biết mình bị nhiễm Covid-19 lúc nào, vì vậy không nên kỳ thị, xa lánh F0 và F0 đã điều trị khỏi. Hậu quả của hành vi kỳ thị cũng sẽ làm suy giảm niềm tin, mất đoàn kết và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Những ngày gần đây TP Uông Bí ghi nhận các tín hiệu khả quan cho thấy chúng ta đang dần cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Một trong những yếu tố quan trọng để thành phố có được kết quả này là tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, sát cánh cùng cả hệ thống chính trị thành phố trong quyết liệt triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Không ai mong muốn mình bị mắc COVID-19, nhưng khi đã mắc bệnh thì không nên hoảng loạn, lo sợ mà tuân thủ quy trình phòng, chống dịch của cơ quan y tế và tuân thủ pháp đồ điều trị để chiến thắng dịch bệnh. Những người từng tiếp xúc với người mắc COVID-19 phải tuân thủ việc cách ly y tế theo quy định, không nên đỗ lỗi, trách móc hay kỳ thị với người mắc COVID-19 mà mình đã từng tiếp xúc. Thay vào đó, hãy dành cho nhau những lời động viên, an ủi, những sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa. Đồng lòng, đoàn kết là yếu tố then chốt để chúng ta chiến thắng đại dịch.

Dịch bệnh là điều bất khả kháng. Không ai muốn bản thân nhiễm virus và khiến cả gia đình phải cách ly, xóm làng phải xáo trộn vì lệnh phong tỏa. Virus không chừa một ai. Và không ai an toàn khi tất cả cùng chưa an toàn. Thay vì kỳ thị, dò xét, xa lánh với F0, mỗi chúng ta hãy thật công tâm và nhân văn, thắt chặt tinh thần đoàn kết, để những người không may nhiễm bệnh có thêm động lực và quyết tâm điều trị khỏi bệnh. Để những người đã điều trị khỏi bệnh yên tâm tiếp tục công tác, lao động, học tập, chung tay đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới.

PV

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17400 Tổng lượt truy cập 91938830