Đưa Quảng Ninh thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đưa ra mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của phía Bắc. Hiện thực hoá mục tiêu này, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tích cực triển khai, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Đảng bộ phường Hòn Gai (TP Hạ Long) nghe quán triệt trực tuyến Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Nền tảng vững chắc tạo đà phát triển

Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh là một Đảng bộ lớn, có vị trí rất quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực; dịch vụ, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu nội địa luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước.

Quảng Ninh cũng đã kiên trì, chủ động và sáng tạo thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ. Tỉnh đã huy động được nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tạo bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng.

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật với kết quả ba năm liên tục từ 2017- 2019 có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước có chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, thực sự là động lực thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Quảng Ninh cũng rất chú trọng xây dựng nông thôn mới, là địa phương có xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước (xã Việt Dân, thị xã Đông Triều) và cũng là nơi triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đầu tiên, có hiệu quả, được Chính phủ nhân rộng ra cả nước.

Người dân huyện Tiên Yên tìm hiểu, đóng góp ý kiến vào Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Ảnh: Trúc Linh

Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội,  quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới trên địa bàn tỉnh cũng luôn được giữ vững, bảo đảm vững chắc khu vực phòng thủ và là phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Tỉnh cũng được đánh giá là địa phương xử lý hiệu quả những thách thức phát sinh, nhất là dịch bệnh, thiên tai. Đặc biệt từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện mục tiêu kép đã đề ra, vừa kiểm soát dịch hiệu quả với nhiều giải pháp mới, không để dịch xuất hiện, lây lan, bùng phát trong cộng đồng; vừa đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhất là khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…nên kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Đánh giá về quá trình phát triển của Quảng Ninh trong nhiệm kỳ vừa qua, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV được tổ chức hồi cuối tháng 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: Chủ trương phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội đã giúp cho Quảng Ninh có những bước đi toàn diện và vững chắc. Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là kết tinh của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, kế thừa, phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa; tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung…

Quyết tâm vươn tầm cao mới

Từ nền tảng vững chắc đã tạo được qua nhiều năm, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc”.

Từ mục tiêu tổng quát đó, Quảng Ninh xác định quan điểm, định hướng phát triển là đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, tầm nhìn; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững; kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều và hai mũi đột phá”, đảm bảo liên kết, phát huy thế mạnh từng địa phương trong tỉnh và cả vùng; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tỉnh cũng thống nhất đề ra 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 19 chỉ tiêu chính đến năm 2025.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Ảnh: Đỗ Phương

Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người trên 10.000 USD. Năm 2025, cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 50%, dịch vụ đạt khoảng 47%, còn lại là nông, lâm nghiệp, thủy sản; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 75%. Về công tác cải cách hành chính, tỉnh đặt ra chỉ tiêu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Đồng thời với đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt hơn 87%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1%, đến năm 2023, đưa 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền liêm chính; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghệ cao, sạch; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…Trong đó, Quảng Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo được xác định là ba khâu đột phá chiến lược.  

Với lực đẩy mạnh mẽ là những thành tựu to lớn đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, cùng sự đoàn kết, đồng lòng, tập trung trí tuệ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh sẽ vững bước, tự tin trên chặng đường mới, thực hiện thắng lợi toàn diện những mục tiêu, chỉ tiêu, đề án, chương trình mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. 

 

Theo Hoài Anh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17535 Tổng lượt truy cập 91440736