Đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm

Để đạt mục tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, hiện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang quyết liệt vào cuộc với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp. Đặc biệt là chủ động rà soát lại các khoản thu chưa đảm bảo, từ đó đưa ra những giải pháp đẩy mạnh tăng thu, nhất là đối với những địa phương còn có dư địa tăng thu NSNN.

Hoạt động XNK tại Lối mở Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái).

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tính đến hết tháng 9/2022, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 40.930 tỷ đồng, đạt 78% dự toán tỉnh giao, bằng 102% kịch bản tăng trưởng, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 11.100 tỷ đồng, đạt 105% dự toán giao, bằng 118% kịch bản và bằng 157% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt 28.500 tỷ đồng, đạt 68% dự toán, bằng 100% kịch bản và bằng 108% so với cùng kỳ.

Nhìn vào kết quả này cho thấy, ở 2 nội dung thu đều đảm bảo theo kế hoạch. Tuy nhiên, đánh giá theo sắc thuế thu nội địa thì có đến 8/16 khoản thu (chiếm 50%) không đạt theo tốc độ thu bình quân, gồm: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.256 tỷ đồng, đạt 74% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 3.503 tỷ đồng, đạt 60% dự toán; lệ phí trước bạ 752 tỷ đồng, đạt 69% dự toán; tiền sử dụng đất 4.800 tỷ đồng, đạt 60% dự toán; thuế bảo vệ môi trường 2.255 tỷ đồng, đạt 62% dự toán; thu phí và lệ phí 1.281 tỷ đồng, đạt 66% dự toán; thu cấp quyền khai thác khoáng sản 808 tỷ đồng, đạt 54% dự toán; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế 14 tỷ đồng, đạt 40% dự toán.

Cùng với đó, trong tổng số 13 địa phương của tỉnh, có 6 địa phương chưa đạt tốc độ thu bình quân về tiền sử dụng đất (Uông Bí 72%, Hạ Long 36%, Đầm Hà 40%, Móng Cái 46%, Hải Hà 28%, Bình Liêu 2%) và có 5 địa phương chưa đạt tốc độ thu bình quân về tiền thuế, phí (Tiên Yên 72%, Móng Cái 71%, Bình Liêu 70%, Cẩm Phả 54%, Hạ Long 56%).

Như vậy, so với dự toán tỉnh giao đầu năm, có 8/13 địa phương có tổng thu bao gồm tiền sử dụng đất và thuế, phí đạt và vượt tốc độ bình quân (Cô Tô 137%, Vân Đồn 128%, Quảng Yên 108%, Ba Chẽ 100%, Cẩm Phả 91%, Tiên Yên 90%, Đông Triều 84%, Uông Bí 80%) còn lại 5 địa phương không đạt (Đầm Hà 56%, Móng Cái 56%, Hải Hà 53%, Hạ Long 45%, Bình Liêu 44%).

Hoạt động sản xuất những tháng cuối năm sôi động, đóng góp tích cực cho nguồn thu NSNN. (Trong ảnh: Sản xuất vải tại Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang).

Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương đang thực hiện thủ tục phê duyệt giá đất, chưa thực hiện đấu thầu, đấu giá nên thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là TP Hạ Long chiếm 57% tổng thu tiền sử dụng đất nhưng mới đạt 20% dự toán.

Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Từ việc triển khai thu không đạt theo kế hoạch nên đến nay nhiều địa phương trong tỉnh không có nguồn chi đầu tư phát triển, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt theo mục tiêu đã đề ra, điển hình là TP Hạ Long, TP Móng Cái.

Từ kết quả thu 9 tháng, so với kế hoạch giao đầu năm không thấp hơn 52.600 tỷ đồng thì trong những tháng cuối năm, toàn tỉnh còn phải thu trên 11.600 tỷ đồng. Theo Sở Tài chính, đây là số thu hoàn toàn khả thi, thậm chí thu đạt trên 16.000 tỷ đồng, qua đó số thu ước cả năm 2022 đạt trên 56.000 tỷ đồng, đạt 107% dự toán, bằng 103 kịch bản và bằng 107% so với năm 2021. Trong đó, dự kiến thu xuất nhập khẩu cả năm đạt 12.500 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt trên 43.500 tỷ đồng.

Ngành than đóng góp tích cực cho nguồn thu NSNN.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả nói trên, các sở, ngành liên quan của tỉnh cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là Hạ Long, Móng Cái, Bình Liêu giải quyết những khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tránh tình trạng thu dồn vào tháng 12 như năm 2021. Đối với các khoản thu còn dư địa, Cục Thuế tỉnh và UBND các địa phương triển khai các giải pháp tăng thu ở mức cao nhất, bù đắp cho các khoản thuế, phí có khả năng không đạt dự toán. Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phối hợp thực hiện quản lý thuế đối với kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh, hoạt động vận tải, khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh xăng dầu và kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh việc đảm bảo tăng thu, trong những tháng cuối năm, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan cần bám sát Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để nắm bắt về tình hình giao dự toán NSNN năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh, từ đó phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng dự toán NSNN năm 2023, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt.

Theo Mạnh Trường/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21962 Tổng lượt truy cập 91706997