Đảng bộ thành phố Uông Bí: Quan tâm nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, giáo dục truyền thống, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Những năm qua, công tác sưu tầm, biên soạn Lịch sử Đảng, Lịch sử truyền thống của các chi, đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, lực lượng vũ trang của thành phố Uông Bí đã được quan tâm và đạt những kết quả tích cực, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, truyền thống của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã làm tốt chức năng là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch giúp Ban Thường vụ Thành ủy về công tác  nghiên cứu, sưu tầm tư liệu biên soạn lịch sử Đảng bộ thành phố, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn về nghiệp vụ, thẩm định về nội dung đối với các ấn phẩm lịch sử Đảng của cơ sở trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, in ấn, phát hành.

Hội thảo biên soạn Lịch sử Đảng bộ phường Yên Thanh.

Trong những năm qua, thành phố và các cơ sở đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí biên soạn và phát hành sách lịch sử. Ngoài kinh phí ngân sách cấp, các địa phương còn tích cực vận động nguồn xã hội hóa. Đến nay, Đảng bộ thành phố đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản cuốn "Lịch sử Đảng bộ thành phố Uông Bí (1930-2015)" và cuốn " Uông Bí - Đất và Người", đang triển khai biên soạn cuốn " Đảng bộ thành phố Uông Bí qua các kỳ Đại hội", phát hành vào dịp tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới. 10/10 Đảng bộ xã, phường, Đảng bộ Quân sự thành phố đã hoàn thành việc biên soạn, phát hành Lịch sử Đảng bộ địa phương, đơn vị. Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố đã biên soạn, phát hành cuốn Truyền thống lịch sử của đơn vị; một số cơ quan, đơn vị đã xây dựng Kỷ yếu của đơn vị (Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển Uông Bí, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng). Nhìn chung, các cuốn Lịch sử Đảng bộ, Truyền thống lịch sử của các địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát hành đều được tiến hành công phu từ việc sưu tầm, biên sọan, tổ chức hội thảo, in ấn, xuất bản, phát hành, đồng thời có sự quan tâm giúp đỡ, cộng tác tích cực của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí lãnh đạo, lão thành cách mạng qua các thời kỳ, qua đó tái hiện khá đầy đủ, chân thực, khách quan lịch sử, truyền thống cách mạng ở cơ sở. Các ấn phẩm sau khi phát hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đón nhận, hoan nghênh, là tài liệu quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình nghiên cứu biên soạn, phát hành sách Lịch sử Đảng bộ và Truyền thống của cơ quan, đơn vị cũng còn một số tồn tại, đó là: việc tổng kết đánh giá những vấn đề thuộc về lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương, truyền thống của cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện; công tác lưu trữ của các cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó nhân chứng lịch sử ngày càng ít, khó khăn cho quá trình thu thập, xác minh, đối chiếu tài liệu khi nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn; công tác phối hợp giữa các ngành đối với việc sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng còn hạn chế; cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm; việc tham mưu triển khai quy trình sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng còn lúng túng...

Trên cơ sở thực trạng và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam", để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới theo nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng", thiết nghĩ các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị  số 20-CT/TW và các hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, thành phố về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Rà soát, đánh giá chất lượng các ấn phẩm Lịch sử, Truyền thống của địa phương, cơ quan, đơn vị đã biên soạn, phát hành để bổ sung kịp thời những tư liệu mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, biên soạn bổ sung Lịch sử đảng bộ của các xã, phường và biên soạn truyền thống, kỷ yếu của các ban, ngành đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở, các ngành, đoàn thể cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc lưu trữ tư liệu. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh thông qua các ngày lễ, ngày kỷ niệm của địa phương, đơn vị. Cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã, phường, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm bố trí phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác sưu tầm, nghiên cứu biên soạn lịch sử trên địa bàn, lựa chọn, hợp đồng với các cơ sở viết lịch sử có uy tín để biên tập, in ấn, phát hành, đảm bảo chất lượng về nội dung, hình thức, thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đối với tất cả các khâu, các bước tiến hành. Các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội, các trường học cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương đến các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nguyễn Phái (CTV)

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26777 Tổng lượt truy cập 92016106