"Dân ta phải biết sử ta..."

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ luôn được các cấp, ngành của tỉnh xem trọng. Qua đó giúp thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về văn hóa, lịch sử của dân tộc, bồi đắp thêm niềm tự hào, sự trân trọng với thế hệ đi trước, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để trở thành lớp người kế tục xứng đáng.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) thể hiện hiểu biết của bản thân về Khu di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà. Ảnh Huỳnh Đăng

“Đào, phở và piano” và những sáng tạo về giáo dục lịch sử

Mới đây, chương trình Lễ phát động phong trào thi đua "Thanh xuân dâng Đảng" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức có một kịch bản đặc biệt, khi phần cuối của chương trình dành 100 phút tổ chức phim “Đào, phở và piano” - bộ phim lịch sử đang gây “sốt” ở các phòng vé. Bộ phim có chủ đề chiến tranh lấy bối cảnh Chiến dịch Đông Xuân kéo dài 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội và khai thác cuộc sống của những người ở lại Thủ đô “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, đã giành giải Cánh diều Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2023.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các ĐVTN, học sinh, sinh viên, đảng viên trẻ tại Lễ phát động. Ảnh: Nguyễn Thanh

Thông qua suất chiếu đặc biệt ấy, hàng trăm ĐVTN, cán bộ trẻ, học sinh, sinh viên tiêu biểu của tỉnh được tiếp thêm nhiệt huyết từ thế hệ đi trước, tiếp tục cống hiến sức trẻ cho tỉnh nhà, đồng thời hiểu rõ và trân trọng những giá trị của lịch sử mà bộ phim đã truyền đạt.  Đặng Tâm Nhi, sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long, cho biết: "Bộ phim đã tái hiện một phần lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Bất cứ bạn trẻ nào khi xem bộ phim này cũng cảm nhận được dấu ấn, giá trị lịch sử qua cách tái hiện chân thực, khốc liệt và đầy xúc động. Bộ phim là cách làm mới, giáo dục lịch sử rất hiệu quả, qua đó, truyền tải động lực cho thế hệ trẻ chúng em trách nhiệm gìn giữ, xây dựng đất nước trong thời bình hiện nay".

Học sinh Trường TH&THCS Đại Bình (huyện Đầm Hà) thăm Khu di tích lịch sử, danh thắng Núi Hứa.

Bên cạnh tổ chức cho các ĐVTN xem những bộ phim về đề tài lịch sử, thời gian qua nhiều cách làm hay, sáng tạo về tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ đã được Tỉnh Đoàn, ngành Giáo dục, các nhà trường, cơ quan, đơn vị xem trọng. Số hóa các “địa chỉ đỏ” là một cách làm như thế. Để tạo nguồn tài nguyên số cho du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu về du lịch, văn hoá Quảng Ninh cũng như giáo dục lịch sử, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, Tỉnh Đoàn đã ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng “Bản đồ địa chỉ đỏ tỉnh Quảng Ninh”.  Mỗi điểm di tích được gắn mã QR Code, trong đó có các thư mục tài liệu được áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giọng nói để thuyết minh, giới thiệu và kèm theo những hình ảnh ĐVTN tham quan tại điểm di tích. Với hình thức trực tuyến, “Bản đồ địa chỉ đỏ” sẽ giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm hiểu vị trí địa lý, thông tin về các địa chỉ đỏ, gắn liền với truyền thống cách mạng của quê hương. Đến nay các đơn vị cấp huyện đã triển khai gắn mã QR Code 282/370 địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa.

Chị Bùi Quỳnh Nga, Bí thư Thị Đoàn Quảng Yên, cho biết: Với địa phương có hệ thống di tích lịch sử dày đặc như Quảng Yên, cách làm này giúp người dân và du khách, nhất là những bạn trẻ, có được cái nhìn toàn cảnh và chi tiết hơn, qua đó hiểu sâu, nhớ rõ hơn những địa danh lịch sử của thị xã.

Ở một số trường học, giáo viên và nhà trường cũng đang nỗ lực để môn học lịch sử được dễ hiểu, hứng thú hơn, giúp học sinh yêu thích môn học được cho là khó và khô khan này.

Tiết học lịch sử của học sinh lớp 10A1, Trường THPT Uông Bí (TP Uông Bí).

Thay cho cách dạy truyền thống, tiết học Lịch sử bằng phương pháp STEAM với trải nghiệm thực hành về văn hóa trong chương trình lịch sử và giáo dục địa phương của lớp 10A1, Trường THPT Uông Bí, diễn ra hứng khởi và sôi nổi. Lớp được chia thành 4 nhóm tương ứng với 4 địa danh nổi tiếng: Hạ Long huyền thoại, Huế mộng mơ, Kinh Bắc tình ca, Venice hào hoa. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh chủ động tìm hiểu, thiết kế và trình diễn trang phục bản địa; thực hiện một mô hình sản phẩm STEAM về công trình kiến trúc, di sản nổi tiếng của địa phương; đóng vai hướng dẫn viên du lịch… Đồng thời tranh luận, tham gia trò chơi. Kết thúc tiết học, những tờ giấy nhỏ ghi lại điều tâm đắc nhất về bài học được treo lên mô hình cây xanh tư duy.

Những giờ học sáng tạo với sự tham gia nhiệt tình của học sinh đã được giáo viên bộ môn Lịch sử của Trường THPT Uông Bí duy trì thực hiện từ năm 2018 đến nay đã và đang cho thấy hiệu quả. Đỗ Minh Quang, lớp 10A1, Trường THPT Uông Bí, chia sẻ: "Trong quá trình làm các mô hình, chúng em phải tìm hiểu những kiến thức mới để áp dụng vào thực tế, nhờ đó kiến thức được mở rộng hơn, môn học Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh được chủ động tìm hiểu kiến thức, chúng em được thoải mái thể hiện sự hiểu biết, tranh luận, phản biện, từ đó giúp ghi nhớ bài học lâu hơn".

Bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ đã tạo những động lực tích cực, góp phần nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của thế hệ trẻ, để từ đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong học tập, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn Thanh niên Móng Cái phối hợp với các đơn vị gắn mã QR Code tại Cột mốc 1368. Ảnh: Tỉnh Đoàn

Nhìn về lịch sử để viết tiếp tương lai

Giáo dục lịch sử là chuyển giao một di sản quý báu của dân tộc cho những người trẻ tuổi, để họ có cơ sở hiểu được quá khứ gian khổ, đau thương nhưng rất đỗi vinh quang của tiền nhân. Từ đó xây dựng một thế hệ trẻ giàu lý tưởng, tinh thần cách mạng, giá trị văn hóa.

Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh khuyến khích các trường đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử nhằm tạo hứng khởi, niềm yêu thích của học sinh với môn học này. Đồng thời phối hợp với các ngành tạo điều kiện và chỉ đạo các trường học tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm thực tế tại các địa chỉ đỏ, di tích, danh thắng của địa phương. Các hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với nhân chứng của lịch sử và những sân chơi hình thức sân khấu hóa về các sự kiện lịch sử cũng được các nhà trường chú trọng, nhận được sự hưởng ứng của học sinh.

Học sinh nghe giới thiệu về trận Bạch Đằng năm 1288 tại Bảo tàng Bạch Đằng, TX Quảng Yên. Ảnh: Huỳnh Đăng

Hoạt động này đang được các cấp đoàn thực hiện với nhiều cách làm đa dạng. Đặc biệt, chương trình “hành trình về nguồn” được khắp các cấp bộ Đoàn tổ chức hằng năm đã và đang làm tốt nhiệm vụ giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Từ các hành trình này, rất nhiều các khu di tích trên địa bàn tỉnh, như Đài tưởng niệm các hùng liệt sĩ Pò Hèn (TP Móng Cái), Công trình Cột cờ đảo Trần và nhà lưu niệm (huyện Cô Tô), Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX Quảng Yên), Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều)... mỗi năm đều đón hàng trăm, nghìn lượt học sinh, đoàn viên, thanh thiếu nhi đến tham quan, tìm hiểu. Thông qua mỗi chuyến đi, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn câu chuyện lịch sử, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc dành cho những bậc cha anh đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình, độc lập.

Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được tổ chức xuyên suốt trong năm, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, đã góp phần giáo dục thế hệ trẻ thêm trân trọng lịch sử của đất nước, dân tộc, tiếp tục viết nên những trang sử mới, vẻ vang hơn.

Nhiều ngành, đơn vị của tỉnh cũng đẩy mạnh tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các khu di tích, danh thắng tại địa phương.

Tuổi trẻ huyện Ba Chẽ tổ chức thăm, tặng quà người có công, đối tượng chính sách trên địa bàn huyện.

Những năm gần đây, Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đón nhận ngày càng nhiều du khách trẻ đến tham quan. Từ tín hiệu vui này, BQL Di tích đã xây dựng những tour du lịch trải nghiệm, trong đó lấy học sinh, sinh viên là trung tâm, với các hoạt động dâng hương tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, thăm bãi cọc Yên Giang, nghe thuyết minh viên nói chuyện lịch sử, tham quan Bảo tàng Bạch Đằng, thực hành làm chả đa nem, bánh trôi nước... Học sinh được nghe lịch sử ngay tại nơi diễn ra những trận đánh, hào hứng trải nghiệm viết thư pháp tại di tích...

Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng BQL Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, cho biết: Ban sẽ tạo dựng thêm một số thực cảnh để phục vụ du khách, chú trọng hướng nhiều hơn đến du khách trẻ tuổi, học sinh, sinh viên về trải nghiệm văn hóa, học lịch sử qua giờ ngoại khóa. Ban mong muốn đây sẽ là nơi giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của các thế hệ cha anh, để từ đó tạo một ý thức tốt, một nền tảng về tình yêu quê hương, trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước.

Học sinh tham quan tìm hiểu về lịch sử tại Bảo tàng Quảng Ninh

Giáo dục lịch sử không chỉ là nhiệm vụ của các ngành, đơn vị, mà bản thân mỗi con cháu Lạc Hồng phải có trách nhiệm tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử dân tộc. Qua đó gìn giữ, phát triển, giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau, viết tiếp trang sử của dân tộc ngày một vẻ vang, hào hùng.

Theo Đặng Dung - Nguyên Ngọc/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 40796 Tổng lượt truy cập 91558220