Đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, ven biển nhiều khu vực có địa hình dốc, địa chất không ổn định nên thường xuyên xảy ra các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Để đảm bảo an toàn, chủ động khắc phục khi có sự cố vào mùa mưa bão năm nay, ngành Giao thông vận tải (GTVT) và các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông đã tập trung tu bổ, hoàn thành sửa chữa nhiều tuyến đường, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Cán bộ, công nhân Ban điều hành Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng (Công ty CP Xây dựng và Thương mại 909) bảo dưỡng hệ thống biển báo giao thông.

Tuyến Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có chiều dài hơn 80km, được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2022. Tốc độ thiết kế 120km/h, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp. Là tuyến đường mới đưa vào khai thác, đi qua địa hình đồi núi dốc, địa chất còn chưa ổn định vì vậy rất có thể xảy ra tình trạng sạt lở trong khi mưa kéo dài. Với mục tiêu hạn chế thấp nhất tác động của thời tiết đối với hạ tầng tuyến cao tốc mới, tránh những rủi ro, duy trì giao thông thông suốt ngay cả khi trời có mưa bão, chủ đầu tư công trình là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) đã tiến hành rà soát hành lang an toàn giao thông, chủ động xử lý, gia cố các khu vực có mái taluy (độ dốc) và các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn trên tuyến.

Trong mùa mưa bão, đơn vị cũng cử cán bộ ứng trực 24/24 tại Trung tâm giám sát, thông qua hệ thống camera giám sát với độ phân giải cao trên toàn tuyến. Những tình huống xảy ra như tai nạn giao thông, sự cố gây ách tắc sẽ nhanh chóng được phát hiện và điều động lực lượng hỗ trợ, giải phóng hiện trường, bảo đảm các phương tiện lưu thông liên tục, an toàn.

Ông Phạm Quang Quyết, Đội trưởng đội tuần đường Cao tốc Tiên Yên-Móng Cái cho biết: Trước, trong và sau các đợt mưa bão chúng tôi thường xuyên đi tuần tra dọc trên tuyến cao tốc; nếu phát hiện vị trí sạt trượt, trôi đất đá xuống lòng đường thì sẽ kịp thời quét dọn, thu gom đảm bảo an toàn cho người, phương tiện đi lại. Đồng thời, nếu có tình huống nghiêm trọng hơn sẽ thông tin với lãnh đạo Công ty để phối hợp với tỉnh và các địa phương trên dọc tuyến cao tốc để có phương án hỗ trợ xử lý.

Hệ thống camera giám sát tuyến Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái giúp sớm phát hiện những tình huống như tai nạn giao thông, sự cố gây ách tắc để điều động lực lượng hỗ trợ, giải phóng hiện trường, bảo đảm các phương tiện lưu thông liên tục, an toàn.

Nối liền cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, trục cao tốc của tỉnh Quảng Ninh có gần 180km là mắt xích quan trọng trong trục giao thông liên kết giữa các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và quốc tế. Để đảm bảo giao thông thông suốt, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở GTVT Quảng Ninh đã yêu cầu những đơn vị quản lý cao tốc xây dựng phương án, kế hoạch để chủ động tuần tra, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự; kịp thời phát hiện ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm, các trường hợp gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại các tuyến đường gom, đường địa phương kết nối ra vào cao tốc. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế từng tuyến, xây dựng kịch bản, chuẩn bị đầy đủ vật tư vật liệu, phương tiện nhân lực sẵn sàng ứng phó, xử lý với các tình huống mưa lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Ban điều hành Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng (Công ty CP Xây dựng và Thương mại 909), cho hay: Trong các phương án phòng chống thiên tai, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với một số đơn vị có năng lực và đầy đủ trang thiết bị máy móc ở địa phương, để khi xảy ra sự cố xảy ra thì kịp thời huy động xử lý, đảm bảo giao thông thông suốt.

Ngoài tuyến cao tốc, tỉnh Quảng Ninh còn tuyến giao thông huyết mạch Quốc Lộ 18A và nhiều tỉnh lộ kết nối, phục vụ nhu cầu giao thương, đi lại của nhân dân. Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, xác định các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, đề xuất phương án khắc phục; kiểm tra hệ thống thoát nước đảm bảo thông thoát khi có mưa lớn.

Điển hình là tỉnh lộ 330 - tuyến giao thông trục chính nối trung tâm huyện Ba Chẽ với 5 xã vùng cao của huyện (Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm, Lương Mông). Do là trục đường chính nên hầu hết việc đi lại của người dân các xã vùng cao Ba Chẽ phụ thuộc vào tuyến đường này. Tuy nhiên, những năm trước đây, đường xuống cấp, nhiều đoạn cua tay áo rất nguy hiểm. Nhất là vào mùa mưa lũ xuất hiện nhiều điểm ngập sâu gây chia cắt cục bộ, gây khó khăn cho sinh hoạt và đời sống của người dân.

Với mục tiêu tăng cường liên kết vùng, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông miền núi, năm 2022, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án xử lý 8 điểm ngập lụt trên đường tỉnh 330 giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Sau 1 năm nỗ lực thi công, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Tỉnh Quảng Ninh có hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, thuận tiện ở cả thành thị và nông thôn, miền núi tuy nhiên do đặc thù về địa hình đồi núi, có nhiều sông suối chia cắt nên vào mùa mưa bão luôn tiềm ẩn các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ, nhất là ở các ngầm tràn. Vì vậy bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành và chính quyền địa phương, thì mỗi người dân cũng cần tuân thủ nghiêm việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nên hạn chế tham gia giao thông khi có mưa bão lớn.

Theo Lê Nam/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23916 Tổng lượt truy cập 91710436