Đảm bảo an toàn thực phẩm

Đảm bảo ATTP chính là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả của các cấp chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

Chế biến sản phẩm ăn liền tại Công ty TNHH MTV F-ONE Global Foods (TX Đông Triều). Ảnh: Việt Hoa

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP được tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh, thông qua các hội nghị, cuộc họp, qua các kênh truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin, mạng xã hội… Nội dung chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đảm bảo an ninh, ATTP; vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, nông dân xây dựng, áp dụng công nghệ tiên tiến đạt chuẩn về ATTP. Vận động nhân dân tiếp tục thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch gắn với phát triển các sản phẩm OCOP thế mạnh của địa phương và mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ khâu khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình, đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Tỉnh tập trung tăng diện tích loại cây có giá trị kinh tế cao, mở rộng vùng trồng cây ăn quả, tăng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tăng các vùng trồng được cấp mã số; tiếp tục xây dựng, duy trì chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản; xây dựng mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ... Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX áp dụng, chứng nhận HACCP, ISO 22000, FSSC hoặc tương đương, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn về ATTP ra thị trường.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, xúc tiến trên sàn giao dịch thương mại điện tử, zalo, facebook… đã giúp quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm, đặc sản có thương hiệu cho người tiêu dùng nắm bắt thông tin, có sự lựa chọn, tin tưởng và ưu tiên dùng các sản phẩm trong tỉnh và hàng hóa trong nước. Từ đó góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa tiêu dùng của người dân. Chất lượng hàng của địa phương dần được nâng lên đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu chung của người tiêu dùng, giá cả phù hợp với thu nhập của đại bộ phận nhân dân. Nhiều hàng hóa thương hiệu Việt ngày càng chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, một số sản phẩm OCOP các địa phương có thời điểm không đủ cung cấp nhu cầu cho thị trường.

Hết năm 2023, tỉnh có 401 sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao; 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất)… Đến nay, đã có trên 50 cơ sở với trên 80 mã sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn công nghiệp, như hải sản khô, trứng gà, trứng vịt biển, trà hoa vàng, ruốc hải sản, nước mắm Cái Rồng, nấm Long Hải, giò chả, gạo… Nhiều sản phẩm đã phân phối rộng khắp cả nước, đưa vào các chuỗi siêu thị lớn như Go, Mega Marke, Vinmart/Winmart+ , các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Uông Bí. Ảnh: Nguyễn Chiến

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, công tác giám sát, kiểm tra cũng được các cơ quan, ban, ngành chú trọng. Ngành công thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu; tăng cường công tác quản lý sản phẩm thực phẩm tại các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa. Ngành nông nghiệp thanh tra, kiểm soát chặt chẽ ATTP trong các khâu từ sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo lĩnh vực được phân công quản lý. Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và thanh tra chuyên ngành; phối hợp các đơn vị chức năng thuộc các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh mặt hàng thực phẩm trên thị trường, đặc biệt là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

MTTQ các địa phương, cơ sở đã tích cực phối hợp các ngành, các tổ chức thành viên cùng cấp thường xuyên giám sát các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên vận động nhân dân tham gia giám sát tại cộng đồng, phát hiện, tố giác, đấu tranh các trường hợp vi phạm ATTP, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, giả, ngoài danh mục...Theo thống kê, năm 2023, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã kiểm tra 11.124 cơ sở về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, xử lý 1.705 cơ sở vi phạm.

Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, kiểm soát tốt, toàn diện hơn công tác ATTP, tháng 7/2023 đề án “Bảo đảm ATTP tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh ban hành. Đề án đã xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực, giao nhiệm vụ cho đơn vị, sở, ngành liên quan thực hiện. Quảng Ninh luôn xác định an ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo Trần Thanh/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14033 Tổng lượt truy cập 91996588