Công an TP Uông Bí tăng cường công tác đảm bảo ATTP trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024

Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của Nhân dân càng trở nên nhộn nhịp, sôi động. Cùng với đó là các loại hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường, làm gia tăng nguy cơ mất An toàn thực phẩm, đe dọa đến sức khỏe của người dân.

Thực tế trong năm 2023, qua công tác kiểm tra việc thực hiện các Quy định về ATTP trên địa bàn thành phố Uông Bí, lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 6 đã kiểm tra và xử lý 24 trường hợp vi phạm các quy định về ATTP. Trong đó, có 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm các quy định về ATTP trong chế biến thức ăn, 14 cửa hàng kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc; tổng tiền phạt hơn 40 triệu đồng; thu giữ, tiêu hủy gần 200 mặt hàng là thực phẩm, gia vị, sữa, bánh kẹo... không có nguồn gốc xuất xứ.

Các loại kẹo không rõ nguồn gốc, được lực lượng chức năng thu giữ tại cổng các trường học.

Lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố phối hợp với Đội QLTT số 6 kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, bia rượu... trên địa bàn.

Hưởng ứng Đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm phục vụ Tết. Để kiểm soát được thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, phục vụ người tiêu dùng vui xuân, an toàn đón Tết và Lễ hội Xuân 2024, đơn vị sẽ thực hiện quyết liệt đồng bộ các biện pháp như: tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm; đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh ATTP như cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ và con người tham gia sản xuất, chế biến, tiếp xúc với thực phẩm; có đầy đủ hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan theo quy định ATTP; thực hiện tốt quy chế nhãn mác cũng như các quy định về bảo quản, vận chuyển thực phẩm.

Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phải tuân thủ quy định về ghi nhãn thực phẩm; các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; điều kiện về bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; duy trì vệ sinh nơi kinh doanh; bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất.

Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn, cần có biện pháp bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc; không tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác; rửa sạch hoặc khử trùng các dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm trước khi sử dụng đối với thực phẩm ăn ngay; có thông tin về xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở các chợ, khu vực lễ hội cần đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP như quy trình kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm. Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATTP, được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp… khi đang SXKD thực phẩm; không được dùng phụ gia và phẩm màu không được phép sử dụng cho thực phẩm; thức ăn được bày bán phải đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP theo quy định.

Đặc biệt, đối với người tiêu dùng, cần chọn mua thực phẩm an toàn; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, hỏng...; thực hiện khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm; đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng phát hiện thông tin, tố giác với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm và các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thanh Hương-Ngọc Linh-Thanh Xuân

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13809 Tổng lượt truy cập 91996319