Cơ bản đã khống chế được bệnh lùn sọc đen Phương Nam hại lúa

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, bệnh lùn sọc đen Phương Nam đã được khống chế, không lây lan ra các vùng xung quanh.

Nông dân xã Sông Khoai (TX Quảng Yên) tích cực phun thuốc trừ rầy lưng trắng.

Bệnh lùn sọc đen Phương Nam do virus gây ra, có khả năng lây lan rất nhanh, khi đã bị bệnh thì không có cách nào chữa trị. Phương pháp hữu hiệu nhất để loại trừ mầm mống và phòng chống bệnh là phun hóa chất tiêu diệt rầy lưng trắng, tác nhân gây bệnh. Đối với những diện tích lúa đã có dấu hiệu của bệnh thì chỉ còn cách nhổ lên và vùi xuống bùn sâu tiêu hủy để tránh lây lan.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đầu vụ mùa năm 2018, bệnh lùn sọc đen Phương Nam bắt đầu xuất hiện và gây hại rải rác trên đồng ruộng tại các địa phương, như: Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Uông Bí, Hạ Long, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ... Cục bộ một số diện tích tại Quảng La (Hoành Bồ), Nam Hòa (Quảng Yên), tỷ lệ khóm lúa bị nhiễm bệnh trên 5%. Đến đầu tháng 8, mật độ rầy lưng trắng, vật môi giới mang virus truyền bệnh và những mẫu lúa nhiễm virus lùn sọc đen Phương Nam gia tăng trên đồng ruộng, trung bình 30-50 con/m2, cục bộ có nơi lên đến 800 con/m2.

Kết quả kiểm định 235 mẫu lúa và rầy lưng trắng lấy tại các địa phương trong tháng 8 cũng cho thấy tất cả đều dương tính với bệnh lùn sọc đen Phương Nam. Kinh nghiệm từ các vụ mùa trước, trên cánh đồng tỷ lệ nhiễm bệnh trên 5% thì nguy cơ cao là toàn bộ cánh đồng bị nhiễm bệnh. Do vậy, nếu không tập trung xử lý rầy lưng trắng và khóm lúa bị bệnh kịp thời thì nguy cơ bệnh bùng phát và gây hại diện rộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vụ mùa 2018.

Những khóm lúa ở thôn 2, xã Quảng La (Hoành Bồ) có dấu hiệu nhiễm bệnh lùn sọc đen Phương Nam.

Để khống chế bệnh lùn sọc đen Phương Nam, các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh và địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai các bước tiêu diệt rầy lưng trắng, phòng chống bệnh. Cụ thể, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các địa phương giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ gieo cấy những giống lúa mẫn cảm, dễ nhiễm bệnh như BC15, TBR225... đồng thời, trích kinh phí chi mua 1.378kg hóa chất để cấp phát cho bà con nông dân xử lý hạt giống, việc xử lý đạt 95% số hạt giống cần gieo trồng.

Sở NN&PTNT, đơn vị chủ quản về sản xuất nông nghiệp đã tăng cường bám sát địa bàn, đặc biệt là các vùng từng nhiễm bệnh ở vụ mùa năm 2017 như Quảng Yên, Hoành Bồ, Đông Triều; theo dõi và thu thập 539 mẫu rầy, 167 mẫu lúa để giám định; trực tiếp hướng dẫn nông dân nhổ bỏ để tiêu hủy cây bệnh, tiến hành phun trừ rầy lưng trắng ở diện tích nhiễm rầy và diện tích lân cận nhiễm bệnh. Kết quả đã vận động nông dân phun hóa chất phòng trừ trên 1.500ha, không để bệnh hại lây lan ra các ruộng lân cận.

Song song với đó, ở cấp tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyên sâu cho 160 cán bộ phụ trách nông nghiệp tại 100% địa phương; ở cấp huyện đã tập huấn cho 3.000 nông dân và cán bộ thôn, xã, cấp phát trên 3.000 tờ rơi cho nông dân. Các cơ quan thông tin của tỉnh đã đăng tải nhiều bài viết, phóng sự cảnh báo, hướng dẫn người dân biện pháp kỹ thuật phòng trừ sinh vật gây hại.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp tập huấn chuyên sâu về phòng trừ bệnh lùn sọc đen Phương Nam cho cán bộ phụ trách nông nghiệp các địa phương khu vực miền Tây.

Với các giải pháp đồng bộ, bệnh lùn sọc đen Phương Nam đã cơ bản được khống chế. Qua số liệu tổng hợp của các địa phương, đến ngày 15/9 bệnh lùn sọc đen Phương Nam dừng lại ở diện tích có 17,8ha lúa bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm từ 1-5% diện tích, giảm gần 10 lần so với vụ mùa năm 2017. Đến nay, bệnh không có dấu hiệu lây lan ra các vùng xung quanh.

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9613 Tổng lượt truy cập 92058257