Chung tay phòng chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình từ lâu là chuyện nhức nhối trong nhiều gia đình, không chỉ tổn thương về sức khỏe và tinh thần mà còn khiến cho không ít gia đình tan vỡ, đẩy những đứa trẻ vào cảnh ly tán, mất cân bằng về tình cảm...

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Một con số thống kê trong 10 năm (2008 - 2018) cho thấy, toàn tỉnh ta đã xảy ra 2.806 vụ bạo lực gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này phần nhiều là do người chồng, người cha cờ bạc, rượu chè hay mắc các tệ nạn xã hội  như nghiện ma túy hoặc không công ăn việc làm, hoặc việc làm thu nhập không ổn định… từ đó xảy ra các vụ cãi vã trong gia đình. Còn nguyên nhân khác tuy ít hơn, nhưng lại mang hậu quả nặng nề hơn, đó là chuyện ngoại tình, nguyên nhân thường xuất phát từ cả 2 phía, nhưng dù do đâu cũng khiến cho gia đình dễ tan vỡ. Cũng giai đoạn 2008 - 2018, toàn tỉnh đã có 244 nạn nhân bạo lực gia đình được khám và chăm sóc tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hiện nay, ở tất cả các khu phố thuộc các phường, xã trên địa bàn tỉnh đều có tổ hòa giải. Khi bạo lực gia đình mà chỉ là mâu thuẫn nhỏ, tổ hòa giải sẽ giải quyết tại các gia đình nạn nhân. Các vụ việc phức tạp hơn, tổ hòa giải tìm cách tách nạn nhân về nhà cán bộ khu phố, hoặc trụ sở UBND xã, phường (đã có nơi xây dựng được nhà tạm lánh cộng đồng) hoặc nhà người thân của nạn nhân, rồi dần dần tổ hòa giải tìm cách giúp gia đình họ xoa dịu căng thẳng.

Cán bộ phụ nữ phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả (bên phải) đang trò chuyện, tìm cách giải quyết vấn đề bạo lực gia đình của một nạn nhân.

Các địa phương còn tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền. 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 19.860 buổi tuyên truyền, phổ biến về công tác xây dựng gia đình, luật phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống có bạo lực gia đình cho 1,142 triệu lượt người tham dự. Các đơn vị chức năng còn tuyên truyền bằng hình thức trực quan với hàng chục nghìn băng rôn, khẩu hiệu và hàng trăm pano, áp phích treo ở các tuyến đường giao thông. Các tổ chức như Hội LHPN, Ban đại diện Hội Người cao tuổi ở các huyện, thị cũng đã đưa ra giải pháp thành lập các CLB hạnh phúc gia đình. Toàn tỉnh hiện có 793 CLB, 672 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 1.893 cộng tác viên tại các thôn bản, khu phố, 1.572 tổ hòa giải (100% khu dân cư có tổ hòa giải) với gần 10 nghìn hòa giải viên

Nhiều giải pháp thiết thực

Việc thành lập các CLB về hạnh phúc gia đình tại các địa phương trong toàn tỉnh từ sự vào cuộc của Hội phụ nữ có mô hình CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Bố mẹ nuôi dạy con tốt.., Ban dại diện Hội Người cao tuổi có mô hình CLB Liên thế hệ giúp đỡ nhau… cũng đã góp phần hạn chế rất nhiều về bạo lực gia đình. Các CLB này giúp cho các gia đình gắn kết với nhau hơn, họ cũng là tấm gương để các gia đình khác nhìn vào, đồng thời họ cũng sẵn sàng tham gia vào các tổ hòa giải chống bạo lực gia đình.

TP Cẩm Phả là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh xây dựng xong sớm nhất mô hình CLB Gia đình hạnh phúc và đã có đủ ở cả 16/16 xã, phường của thành phố. Các CLB có từ 30 – 50 người. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, họ giao lưu văn nghệ và lồng ghép tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chị Trịnh Thị Khánh (ngoài cùng bên phải) đang bày tỏ niềm vui cuộc sống gia đình với các thành viên CLB Gia đình hạnh phúc phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả).

Chúng tôi đến phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả), với mô hình “CLB Gia đình hạnh phúc” đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi bạo lực và thay vào đó là hạnh phúc gia đình. Vợ chồng chị Trịnh Thị Khánh, tổ 1, khu Tây Sơn 2, phường Cẩm Sơn nay sống thật hạnh phúc trong ngôi nhà mới khang trang. Chị Khánh kể trước đây anh chồng mình thường say rượu rồi về đánh đập vợ, con. Nhưng nhờ có các cán bộ CLB Gia đình hạnh phúc kiên trì, nhiều ngày đến vận động, cảm hóa được anh chồng bỏ rượu, rồi họ đứng ra thế chấp cho vợ chồng chị Khánh vay tiền của Ngân hàng CSXH thành phố và vay một khoản vay không lãi của quỹ CLB Gia đình hạnh phúc của phường. Từ đó, chồng chị Khánh mua được chiếc xe tải nhỏ, vì anh đã có nghề lái xe. Rồi 2 vợ chồng hàng ngày từ sáng sớm về quê mua cất rau ra Cẩm Phả bán. Do chăm chỉ làm ăn, họ đã trả dần được nợ nần và có tiền làm lại nhà. Chồng chị Khánh đã đổi tính, giờ chịu khó làm ăn, không còn uống rượu như trước nữa....

Cán bộ Phòng LĐ TB&XH TP Uông Bí (bên phải) đang tìm hiểu người bị bạo lực gia đình ở Nhà tạm lánh cộng đồng.

Ở TP Uông Bí đã thực hiện mô hình “Nhà tạm lánh cộng đồng” vào tháng 9/2018, đặt tại Trạm y tế phường Quang Trung. Tuy nhiên, nhà tạm lánh cộng đồng này lại đón nhận tất cả những nạn nhân từ khắp thành phố đến trú ngụ tạm thời. Mô hình được thành lập theo Quyết định số 3908/QĐ-UBND của UBND TP Uông Bí, do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban và 12 ủy viên là nhân viên các phòng, ban chức năng của thành phố. Nhà tạm lánh cộng đồng rộng khoảng 18m2, có đủ các vật dụng tối thiểu cho sinh hoạt người tạm lánh, gồm: Giường ngủ, ti vi, cũi giường, đồ chơi cho trẻ em, tủ thuốc y tế... và chiếc điện bàn để liên lạc khi cần thiết. Ngoài phòng ở, người tạm lánh còn có khu nấu ăn, khu vệ sinh bên ngoài. Các nạn nhân khi đến đây có nơi yên tĩnh nghỉ ngơi, được chăm sóc y tế, tư vấn pháp lý và hỗ trợ chuyển tuyến khi cần thiết. Trong thời gian họ tạm lánh, các cán bộ Phòng LĐ TB&XH thành phố liên lạc với Công an phường Quang Trung (Uông Bí) và công an nơi người tạm lánh sinh sống để hỗ trợ khi được yêu cầu. Người gây bao lực gia đình được mời đến UBND nơi họ sinh sống để ký cam kết, không để xảy ra bạo lực gia đình nữa. Do vậy, nhà tạm lánh đã trở thành bà đỡ cho nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình và giúp họ ổn định cuộc sống.

Sự vào cuộc tích cực của Hội phụ nữ các cấp

Xảy ra bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, vì vậy, Hội LHPN tỉnh và các cấp hội đã tích cực vào cuộc. Năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất, vận động kinh phí để tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và cộng đồng về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có phòng chống xâm hại tình dục trẻ em gái trong gia đình.

Cụ thể đã tổ chức 3 lớp tập huấn chính sách pháp luật liên quan tới phụ nữ và gia đình cho 180 phụ nữ tại Hải Hà, Bình Liêu; tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em gái trong gia đình cho 540 bà mẹ có con dưới 16 tuổi tại Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hạ Long và Vân Đồn; tổ chức 1 chương trình giao lưu - toạ đàm phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Người trong cuộc lên tiếng” tại Hải Hà với sự tham gia của 150 cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân, trong đó có sự tham gia của gần 100 cặp vợ chồng người dân địa phương; tổ chức 1 Hội nghị truyền thông theo phương pháp "có sự tham gia" về "Phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái" tại huyện Cô tô, thu hút 150 phụ nữ và nam giới tham dự...

Tại cấp huyện, Hội LHPN các địa phương đã phối hợp với ngành Công an tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo tuyên truyền phòng, chống tội phạm và TNXH trong gia đình, thu hút hàng nghìn người tham dự. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức 45 buổi tuyên truyền, hội thi, tập huấn cho hơn 3.000 hội viên phụ nữ các kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành mà bạo lực gia đình đã giảm dần hàng năm, nhiều gia đình đã tìm lại được hạnh phúc gia đình.

Theo Anh Vũ/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 32141 Tổng lượt truy cập 91464543