Chủ động thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh nội trú BHYT

Từ ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT không cần giấy chuyển viện vẫn được hưởng toàn bộ chi phí điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố thay vì hưởng 60% như hiện tại.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đi đúng tuyến.

Ông Ngô Văn Chiến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Thực hiện thông tuyến giúp người tham gia BHYT thuận lợi hơn khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, giúp những bệnh nhân ở các tỉnh xa đi công tác, du lịch tại địa phương khác không may bị bệnh sẽ đến KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đó và được BHYT chi trả 100% mà không phải mất thời gian quay về địa phương.

Trước đây, người có thẻ BHYT tại tuyến tỉnh nếu không có giấy chuyển tuyến theo quy định thì đối với người KCB ngoại trú sẽ không được chi trả; còn đối với trường hợp điều trị nội trú thì được quỹ BHYT thanh toán 60% tổng chi phí theo quyền lợi được hưởng. Thực hiện thông tuyến từ năm 2021, những trường hợp điều trị nội trú sẽ được quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi mức hưởng của người tham gia và sẽ được chi trả từ  80%, 95% và 100% tùy theo nhóm đối tượng tham gia BHYT. Trường hợp khám ngoại trú vẫn giữ nguyên quy định như trước và không được thanh toán khi đi khám trái tuyến.

Bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viên Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân.

Để thực hiện thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú KCB BHYT, BHXH tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về việc thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú; khuyến khích người dân KCB theo đúng tuyến đăng ký, để giảm quá tải cho việc điều trị của tuyến trên.

BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các cơ sở KCB trong tỉnh tăng cường chất lượng khám và điều trị; yêu cầu các cơ sở KCB tuyến tỉnh chuyển bệnh nhân nhẹ, có các chẩn đoán thuộc phạm vi điều trị của tuyến huyện về tuyến dưới điều trị.

Cùng với đó, BHXH tỉnh làm việc với các bệnh viện tuyến tỉnh đề nghị bố trí cơ sở vật chất, thiết bị giường bệnh phục vụ nhu cầu KCB sẽ gia tăng sau khi thông tuyến; quản lý chặt chẽ việc KCB nội trú, hạn chế chỉ định trường hợp bệnh nhân nhẹ không cần thiết phải chỉ định điều trị nội trú... Qua đó tránh tình trạng sau khi thông tuyến, người bệnh từ tuyến dưới ồ ạt đổ lên tuyến tỉnh điều trị nội trú dẫn đến quá tải.

Lãnh đạo BHXH tỉnh kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý KCB BHYT.

BHXH tỉnh chỉ đạo Phòng Giám định BHYT và BHXH các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục bố trí giám định viên BHYT thường trực tại các cơ sở KCB để phối hợp tuyên truyền, động viên người bệnh đi khám đúng tuyến; phối hợp cơ sở KCB giải quyết các vướng mắc phát sinh. Đồng thời, tăng cường giám định để phát hiện kịp thời trường hợp bệnh nhân nhẹ, không cần thiết điều trị nội trú...

Hiện nay, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.239.100 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,8% dân số. Quảng Ninh có số bác sĩ trên 1 vạn dân cao gấp gần 2 lần so trung bình cả nước; số giường bệnh trên 1 vạn dân cao xấp xỉ gần 2 lần trung bình cả nước. Toàn tỉnh có 3 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh với trên 1.000 giường bệnh; 3 bệnh viện có hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế... Tổng chi phí KCB tại tuyến Trung ương của người dân trong tỉnh chỉ đạt 15%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng trung cả nước. 

 

Theo Dương Trường/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2687 Tổng lượt truy cập 94642787