Chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Để chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ. Ảnh: Hải Hà.

Từ đầu năm đến nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: Lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… xuất hiện và gia tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, ghi nhận khoảng 70 ổ dịch, tăng 3 đến 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện lần đầu tiên tại thôn Nà Sa, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu từ đầu tháng 1/2021 và có chiều hướng lây lan trên diện rộng, hiện dịch bệnh đã xảy ra tại 113 hộ/ 64 thôn, khu thuộc 39 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 217 con trâu, bò; số chết, tiêu hủy là 61 con. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, số ổ dịch phát sinh giảm; đàn trâu, bò cảm nhiễm tại các địa phương đã được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

Còn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện vào cuối tháng 4/2021 tại hộ chăn nuôi thuộc thôn Đồng Lá, xã Hòa Bình, TP Hạ Long. Dịch bệnh phát sinh, lây lan rộng tại 99 hộ/36 thôn, khu thuộc 17 xã, phường ở 4 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 619 con.

Ngoài ra, bệnh cúm gia cầm cũng gây thiệt hại cho 32 hộ ở 3 địa phương: Hải Hà, Đầm Hà và Đông Triều. Tổng số gia cầm chết, buộc phải tiêu hủy gần 43.700 con gia cầm.

Lực lượng chức năng huyện Hải Hà sử dụng hóa chất để tiến hành bao vây, khoanh vùng dập dịch cúm gia cầm. Ảnh: Hoàng Nga

Đến thời điểm này, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được kiểm soát. Để đạt được kết quả này, ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã trực tiếp xuống kiểm tra ổ dịch, hướng dẫn và phối hợp với các địa phương chỉ đạo phòng chống dịch theo quy định; cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, hỗ trợ địa phương chống dịch.

Các địa phương phát sinh dịch bệnh đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống theo quy định, như: Tổ chức tiêu hủy gia súc mắc bệnh; thực hiện các biện pháp cách ly, khoanh vùng ổ dịch; khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi; thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý khống chế kịp thời, hạn chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã cấp phát và sử dụng khoảng 14.200 lít hóa chất, 25.600kg vôi bột để vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường tại 23.907 hộ chăn nuôi; các chợ kinh doanh, khu giết mổ gia súc, gia cầm, các ổ dịch và khu vực giáp ranh. Tổng kinh phí phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm khoảng 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương đã tích cực triển khai tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, đối với bệnh viêm da nổi cục, đến nay đã có 10/13 địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin với tổng số 40.191 liều/55.994 con thuộc diện tiêm, đạt 71,78%. Dự kiến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu tiêm vắc xin theo kế hoạch đề ra.

Lực lượng chức năng TX Đông Triều tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm cho gà.

Mặc dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã được kiểm soát nhưng công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một phần do điều kiện vệ sinh chuồng trại ở nông hộ còn hạn chế, nhất là xử lý chất thải... ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất tại các hộ nông dân và trang trại nhỏ còn chậm.

Đối với chăn nuôi trâu, bò vẫn còn tình trạng thả rông trên rừng, không có chuồng trại nuôi nhốt nên công tác tổ chức tiêm phòng vắc xin rất khó khăn, tỷ lệ không cao. Công tác kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh ở một số địa phương cấp xã vẫn còn lơ là; người chăn nuôi còn giấu dịch. Bên cạnh đó, việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; thủ tục cấp kinh phí và đấu thầu mua vắc xin theo quy định mất nhiều thời gian gây khó khăn cho việc bao vây, khống chế dịch.

Trên địa bàn tỉnh ước tính 6 tháng đầu năm 2021, tổng đàn trâu có gần 32.800 con, đàn bò 38.000 con, đàn lợn khoảng 293.200 con, đàn gia cầm trên 4 triệu con. Sản lượng thịt xuất chuồng trên 48.500 tấn. Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở tiếp tục triển khai Luật Chăn nuôi 2018; xây dựng các văn bản, kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tập trung tăng đàn, đảm bảo số lượng, sản lượng vật nuôi. Đơn vị cũng sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh phát sinh.

Đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm, Chi cục cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường tiêm phòng các loại vắc xin. Đồng thời, chủ động thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm gia súc, gia cầm bị ốm, bệnh để báo cán bộ thú y kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời khi xuất hiện các ổ dịch.

 

Theo Hoàng Quỳnh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 43523 Tổng lượt truy cập 92042203