Chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng y học cổ truyền

Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 24-CT/TƯ ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) cũng như phát triển, bảo tồn cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhân viên y tế Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh điều trị cho người bệnh bằng phương pháp xoa bóp.

Mở rộng mạng lưới

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, những năm qua, hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh nói chung và các cơ sở khám, chữa bệnh YHCT nói riêng đã, đang được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô. Hiện tại, 100% bệnh viện công lập trên địa bàn được đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô, trong đó hầu hết cơ bản hoàn thiện công tác xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân. Quy mô giường bệnh đã được mở rộng, tỉnh Quảng Ninh đã đạt 56 giường/1 vạn dân, trong đó nhiều bệnh viện đã bố trí giường bệnh dành cho YHCT đạt và vượt tỷ lệ theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại cũng đã được trang sắm, đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn có hiệu quả.

Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh là bệnh viện chuyên khoa hạng II đa khoa về YHCT. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện đang từng bước được đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ; nguồn nhân lực đang tiếp tục được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hiện tại, bệnh viện đã hoàn thiện công tác xây dựng nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất với quy mô 300 giường điều trị nội trú (thực tế đang triển khai trên 400 giường bệnh) đã được trang sắm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho bào chế, sản xuất thuốc, chẩn đoán, điều trị tại bệnh viện.

Các bài thuốc đông y được sử dụng trong điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh.

Bên cạnh đó, các bệnh viện đa khoa trên địa bàn đã chú trọng nhiều hơn đến công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực để triển khai công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện đã thành lập được khoa YHCT hoặc liên khoa YHCT - phục hồi chức năng. Trong hệ thống y tế Nhà nước, từ năm 2008 đến nay, khám, chữa bệnh bằng YHCT tăng từ hơn 40 nghìn lượt người (2008) lên hơn 300 nghìn lượt người (2017).

Bên cạnh các cơ sở điều trị của Nhà nước, các loại hình hành nghề YHCT tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng được củng cố, phát triển, đồng thời được quản lý, cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Năm 2008 chỉ có 71 phòng chẩn trị YHCT, đến tháng 3/2018 đã có 105 phòng chẩn trị YHCT đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động.

Phát triển dược liệu

Nhà máy Sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP, GLP và GSP - WHO của Công ty CP Dược và vật tư y tế Quảng Ninh.

Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT, Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức khoa học nghiên cứu, phát triển trồng, quy hoạch các vùng dược liệu trên địa bàn. Từ đó đã hình thành vùng nguyên liệu dược liệu quy mô lớn, không chỉ đóng vai trò quan trọng vào việc bảo tồn nguồn dược liệu, mà còn góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn. Bước tiến đáng kể nhất trong việc phát triển bền vững cây dược liệu ở Quảng Ninh phải kể đến việc xây dựng, đưa vào hoạt động Nhà máy Sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP, GLP và GSP - WHO của Công ty CP Dược và vật tư y tế Quảng Ninh. Chính thức vận hành từ tháng 11/2015, đến nay, Nhà máy đã sản xuất thành công hơn 30 sản phẩm, như: Mẫu sinh đường, hoạt huyết dưỡng não - QN, HABI - QN...

Đặc biệt, với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Quảng Ninh đã hoàn thiện được nhiều vùng sản xuất tập trung các cây dược liệu quý, như: 4.600ha hồi, 3.000ha quế, 322ha ba kích, 120ha trà hoa vàng... cùng gần 200ha trồng các loại cây dược liệu khác. Cũng từ chương trình OCOP, đã có 6 doanh nghiệp, 13 HTX và một số cơ sở, hộ gia đình tham gia sản xuất sản phẩm dược liệu. Các đơn vị đã đưa ra thị trường 70 sản phẩm dược liệu với 8 dạng bào chế: Dược liệu khô đóng gói, trà túi lọc, cao dược liệu, tinh dầu, viên nang cứng, rượu thuốc, bột thuốc, dầu xoa. Nhiều sản phẩm dược liệu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm mũi nhọn của Quảng Ninh trên thị trường.

Các đơn vị đã tạo cơ sở nền tảng quan trọng trong sản xuất, kinh doanh dược liệu của tỉnh, bao gồm sản xuất sơ cấp, thứ cấp và thương mại. Trên cơ sở này, ngành Y tế Quảng Ninh đã quy hoạch “Thung lũng phát triển dược liệu xanh Ngọa Vân – Yên Tử” phân bố ở các địa phương, bao gồm: Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu, nhằm mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dược liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Nhân viên Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc chăm sóc cây dược liệu của đơn vị.

Phát triển bền vững cây dược liệu ở Quảng Ninh chính là việc ứng dụng thành tựu của KHCN vào chế biến sâu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm. Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, tỉnh đã triển khai trên 20 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về dược liệu. Trong đó có nhiều đề tài chất lượng, như: Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất sản phẩm từ ba kích tím; phát triển sản phẩm từ hàu biển; nghiên cứu cơ sở khoa học, phát triển sản phẩm từ cây trà hoa vàng... Tỉnh cũng đang xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều, thành lập trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KHCN dược Quảng Ninh với mục tiêu đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng KHCN trong phát triển dược liệu.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT cũng như phát triển, bảo tồn cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, việc tiếp tục quan tâm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TƯ rất cần sự phối hợp, quan tâm của các cấp, ngành và người dân, qua đó góp phần nâng cao giá trị của nền y dược cổ truyền Việt Nam trong hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Nguyễn Hoa/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 41580 Tổng lượt truy cập 91482905