Chăm lo người có công và gia đình chính sách

Cùng với phát triển kinh tế, mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là chăm lo cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách, luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc Tết Nguyên đán 2023 Mẹ VNAH Nguyễn Thị Phúc (khu 2, phường Hà Khẩu (TP Hạ Long). Ảnh: Thu Chung

Nhiều năm qua, công tác "Đền ơn, đáp nghĩa", các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và gia đình chính sách đã trở thành truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Quảng Ninh hiện quản lý trên 48.600 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ. Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của trung ương, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng cao hơn mức của trung ương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và thân nhân. 

Tiêu biểu, Nghị quyết số 145/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Quy định về hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" có quy định hỗ trợ điều dưỡng ngoài mức hỗ trợ do ngân sách trung ương đảm bảo. Cụ thể: Hỗ trợ tiền ăn 1,4 triệu đồng/người/lần đối với đối tượng điều dưỡng tập trung; 0,7 triệu đồng/người/lần đối với đối tượng điều dưỡng tại gia đình; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịnh sử, văn hóa ở các địa phương trong nước đối với đối tượng điều dưỡng tập trung 900.000 đồng/người/lần.

Từ năm 2018-2022, toàn tỉnh có 24.363 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được điều dưỡng tập trung và tại gia đình, tổng kinh phí hỗ trợ trên 77,8 tỷ đồng (ngân sách trung ương trên 43 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 34,8 tỷ đồng). Mức thăm tặng quà hằng năm (dịp 27/7 và Tết Nguyên đán) đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng cao hơn, đối tượng được mở rộng hơn so với quy định của trung ương.

Chỉ thị số 03/CT-UBND (ngày 20/4/2022) của UBND tỉnh "Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thương binh - Llệt sĩ, nâng cao mức sống cho người có công với cách mạng" đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo tích cực; MTTQ, các đoàn thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các phong trào đền ơn, đáp nghĩa sôi nổi. Năm 2021, toàn tỉnh còn 236 hộ người có công với cách mạng có mức sống dưới trung bình, đến tháng 7/2022 chỉ còn 70 hộ có mức sống dưới trung bình, thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để nâng cao mức sống cho 70 hộ người có công với cách mạng lên mức sống trung bình; tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ lên mức sống cao hơn trong những năm tới.

Hội Đông y phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) khám bệnh cho thương, bệnh binh. Ảnh: Kim Thuỷ (CTV)

Tuy vậy, theo Sở LĐ-TB&XH, các đối tượng người có công với cách mạng thuộc diện điều dưỡng đến nay đều đã cao tuổi, sức yếu, mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo do thương tật, bệnh tật..., rất cần sự quan tâm chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Thực tế, hằng năm số lượng người có công với cách mạng và thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng giảm (trung bình mỗi năm giảm trên 300 người); còn người có công có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc hộ có thành viên hưởng chế độ bảo trợ xã hội, thuộc hộ cận nghèo; một số đối tượng người có công có thân nhân, nhưng thân nhân không thuộc diện được Nhà nước mua BHYT, nên việc khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kinh tế chung của gia đình...

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, mới đây Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn. Trong đó xây dựng 3 nhóm chính sách lớn với các quy định về đối tượng, mức chi, mức hỗ trợ, kinh phí thực hiện (quy định về hỗ trợ điều dưỡng; quy định hỗ trợ hằng tháng; quy định hỗ trợ BHYT, hỗ trợ nuôi dưỡng người có công với cách mạng cô đơn không nơi nương tựa và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật). Các nội dung này đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, dự kiến trình tại kỳ họp HĐND tháng 12/2023.

Theo Thanh Hoa/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17488 Tổng lượt truy cập 91938957