Bước tiến mới trong thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại Quảng Ninh đã đạt được kết quả quan trọng, giúp người dân, du khách, doanh nghiệp thuận tiện trong việc giao dịch, thanh toán.

Sau khi thực hiện các thủ tục xin cấp hộ chiếu mới, chị Lương Thu Hà, phường Ninh Dương, TP Móng Cái, được hướng dẫn đến quầy số 76, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để thanh toán lệ phí. Đang tần ngần vì quên mang tiền mặt, chị nhìn thấy phương thức nộp lệ phí qua tài khoản nên nhanh chóng rút điện thoại, hoàn thành thao tác chuyển khoản trong 30s. Chị bảo: “Tôi làm ở doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt rồi. Tôi cứ tưởng ở các cơ quan nhà nước thì vẫn phải ghi phiếu, nộp tiền mặt, nhận phiếu cơ. Giờ có nhiều phương thức thanh toán như thế này thuận tiện quá!”.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các đơn vị cung cấp dịch vụ công như Trung tâm Phục vụ hành chính công là minh chứng cụ thể cho bước tiến mới trong phát triển xã hội số ở Quảng Ninh. Với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đi đầu là các cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ và qua phương tiện điện tử từ vài năm về trước. Và cùng với các dịch vụ thương mại, thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công của tỉnh có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ. Thời gian qua, tỉnh đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ nộp thuế, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí ở các trung tâm hành chính công và chi trả các chương trình an sinh xã hội…

Bằng việc triển khai thử nghiệm chợ 4.0, toàn tỉnh đã thiết lập được 1.020 điểm thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khoảng 1.000 hộ tiểu thương đã có tài khoản thanh toán điện tử. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công; 100% các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, đã có 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,89% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện; 85,75% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, đạt 97,2%; 77,7% doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước, đạt 87,44%; 98,4% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí) …

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 2,46 triệu tài khoản thanh toán điện tử (tăng 0,43 triệu tài khoản so 31/12/2021), trong đó có trên 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động. Tỷ lệ tài khoản thanh toán điện tử/tổng tài khoản thanh toán đang hoạt động đạt 65,1%. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 35,3%. Bình quân khoảng 1,6 tài khoản đang hoạt động/1 người dân trưởng thành. Thuê bao cài đặt và sử dụng Mobile Money là 317.135 thuê bao (trong đó Viettel Quảng Ninh: 260.000 thuê bao, VNPT 57.135 thuê bao).

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại Quảng Ninh đã đạt được kết quả quan trọng, giúp người dân, du khách, doanh nghiệp thuận tiện trong việc giao dịch, thanh toán. Tuy nhiên, ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân còn chưa mặn mà với hình thức này bởi việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại ở khu vực này còn khó khăn, đa số người dân vẫn có thói quen dùng tiền mặt.

Do đó, để thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân.

Theo Hà Chi/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6572 Tổng lượt truy cập 91589805