Bầu cử Pháp: Những nỗ lực cuối cùng của các ứng cử viên

Sau suốt một tháng tiến hành chiến dịch tranh cử chính thức, tất cả 11 ứng cử viên tổng thống Pháp đang chạy đua với thời gian để vận động cử tri ủng hộ. Theo kết quả của các cuộc thăm dò mới nhất, bốn ứng cử viên M. L. Pen, E. Macron, F. Fillon và J. L Mélenchon đều có cơ hội vượt qua vòng 1 vào ngày 23-4.

11 ứng cử viên tổng thống Pháp. Ảnh: AFP

Trong tuần cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử, dư luận Pháp theo dõi sát sao các hoạt động của 5 ứng cử viên được dự đoán là có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất gồm 4 người trên và ứng cử viên Benoit Hamon của đảng Xã hội. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy khoảng cách giữa bốn ứng cử viên dẫn đầu tiếp tục thu hẹp trong mấy ngày qua. Theo cuộc thăm dò của viện BVA-Salesforce, ứng cử viên Emmanuel Macron được 23% ý định bầu, hơn ứng viên cực hữu Marine Le Pen đứng thứ hai chỉ 1%. Trong khi đó hai ông Fillon và Mélenchon cùng được 19,5%.

Kết quả do hãng Kantar Sofres Onepoint công bố cũng cho thấy ông Macron dẫn đầu với 24% so với 23% của bà Le Pen. Còn ông Fillon có 18,5%, đứng trên ông Mélenchon, 18%. Trong cuộc thăm dò của Opinonway-Orpi, bà Le Pen được 22%, thua ông Macron 1 điểm, cho dù vẫn hơn hai người đi sau là François Fillon, (20%) và Jean-Luc Mélenchon 19%.

Các cuộc thăm dò tiếp tục cho thấy là ở vòng 2, bà Le Pen sẽ bị loại, bất kể đối thủ là ông Fillon hay ông Macron. Như vậy khoảng cách giữa 4 ứng cử viên đang dẫn đầu đã khác rất nhiều so với lúc mới bắt đầu chiến dịch tranh cử. Điều này cũng dự báo khả năng xảy ra bất ngờ lớn ngay từ vòng 1 vào ngày 23-4.

Vẫn được dự đoán là một trong hai người lọt vào vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 7-5 nhưng đang mất dần lợi thế về khoảng cách điểm với ông Macron, với quan điểm bài ngoại, bà Marine Le Pen tiếp tục tập trung khai thác những vấn đề nhạy cảm của nước Pháp trong cuộc mít-tinh cuối cùng vào tối ngày 19-4 tại thành phố Marseille ở phía nam Marseille. Đó là khủng bố, di cư và bản sắc của nước Pháp. Bà Le Pen tuyên bố rằng nếu trúng cử sẽ thực hiện một số chính sách để không xảy ra các vụ khủng bố như năm 2015, trục xuất bất kỳ người nước ngoài nào phạm tội hay có tư tưởng cực đoan. Rồi tới việc đóng cửa biên giới và khả năng tách khỏi EU. Lúc trả lời phỏng vấn, bà Le Pen còn yêu cầu một hãng truyền hình bỏ cờ EU và chỉ trích các đối thủ lờ đi mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.

Là người vươn lên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây nhất, ông Macron tiếp tục khẳng định rằng mình là sự lựa chọn tốt nhất để mang lại sự thay đổi và có thể hợp tác với các đảng phái khác nhau để khôi phục sự đoàn kết cho nước Pháp. Ông cam kết sẽ tiến hành đổi mới cách thức điều hành nhằm mang lại một "làn gió mới" mà nhiều người Pháp mong đợi suốt mấy năm qua. Dù được nhiều nhân vật quan trọng của cánh tả ủng hộ, ông Macron vẫn thiếu sự hậu thuẫn vững chắc của một đảng chính trị và những cử tri trung thành như một số ứng cử viên khác nên chiến thắng chưa thể ở trong tầm tay.

Với ông Fillon, sự tự tin vẫn tiếp tục sau nhiều sóng gió liên quan đến cuộc điều tra về việc làm giả khiến cho uy tín cũng như sự ủng hộ giảm sút rất nhiều. Ông cho rằng sẽ lọt vào vòng 2 và đối thủ mà ông mong đợi là ông Macron. Ngày 19-4, với sự xuất hiện và lên tiếng ủng hộ của cả cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và ông Alain Juppé - người từng được cho là phương án B, ông Fillon vẫn có một số ưu thế. Đó là sự hậu thuẫn của các thành viên chủ chốt trong đảng Những người Cộng hòa và số lượng lớn cử tri của cánh hữu và trung dung, nhiều hơn hẳn so với các ứng cử viên khác. Chính vì vậy, ông Fillon cho rằng ứng cử viên Macron sẽ chỉ tiếp tục quan điểm và cách điều hành như Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande.

Là người bất ngờ vươn lên từ sau cuộc tranh luận trực tiếp ngày 4-4, ông Jean-Luc Mélenchon đã có sự bứt phá rất bất ngờ để cạnh tranh vị trí thứ 3 với ông Fillon. Trong mấy tuần qua, ông Mélenchon là người có tỷ lệ ủng hộ tăng cao nhất so với các ứng cử viên khác. Ngày 18-4, ông Mélenchon thực hiện cách vận động mới, đi dọc sông Seine ở trên một chiếc thuyền để gặp gỡ cử tri.

Là ứng cử viên theo đường lối cực tả, ông Mélenchon cam kết sẽ tiến hành đàm phán lại các hiệp ước của EU, đồng thời bác bỏ những ý kiến cho rằng nếu được bầu thì sẽ tiến hành việc tách khỏi EU. Phát biểu trước những người ủng hộ gồm nhiều công nhân lao động, ông Mélenchon cho rằng cần có các biện pháp, chính sách để bảo vệ người lao động, đồng thời đánh thuế 100% đối với những ai có thu nhập từ 400 nghìn euro trở lên và rằng người giàu không quan tâm tới những khó khăn của người nghèo. Ông Mélenchon cũng là ứng cử viên đầu tiên sử dụng kỹ thuật hình nổi ba chiều hologramme trong chiến dịch tranh cử để nói chuyện với cử tri cùng một lúc tại 6 thành phố khác nhau ở Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại.

Sau khi mất đi sự ủng hộ của nhiều thành viên chủ chốt trong đảng Xã hội trong đó có cựu Thủ tướng Manuel Valls, ứng cử viên Benoît Hamon luôn ở vị trí thứ 5 và bị các ứng cử viên khác bỏ xa về tỷ lệ dự định bỏ phiếu. Sự chia rẽ sâu sắc trong đảng Xã hội cùng với số lượng cử tri ủng hộ không cao sẽ khiến cho ông Hamon có ít cơ hội vượt qua được 3 ứng cử viên dẫn đầu.

Sáu ứng cử viên còn lại vẫn kiên trì vận động nhưng khó có hy vọng giành được tỷ lệ phiếu bầu cao, dự đoán chỉ dưới 5%. Dù vậy, họ cũng góp phần nói lên nguyện vọng của một bộ phận dân chúng của cả cánh tả và cánh hữu.

Càng đến gần ngày bầu cử, vấn đề an ninh được tăng cường trên toàn nước Pháp nhất là sau vụ bắt giữ 2 đối tượng là Mahiedine Merabet (29 tuổi) và Clément Baur (23 tuổi) vào ngày 18-4, có âm mưu tiến công khủng bố. Bộ Nội vụ Pháp đã ra cảnh báo đối với lực lượng bảo vệ các ứng cử viên tranh cử tổng thống, đồng thời triển khai các biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an ninh cho các hoạt động vận động tranh cử. Khám xét tại căn hộ do đối tượng Clément Baur thuê ở quận 3 thành phố Marseille từ ngày 1-4, cảnh sát đã tìm thấy 3 kg chất nổ TATP, 1 khẩu súng tiểu liên cùng 2 băng đạn, 2 khẩu súng ngắn bán tự động cùng nhiều vũ khí các loại. Cảnh sát cũng tìm thấy một lá cờ của IS.

Theo báo chí Pháp, 3 ứng cử viên có thể là đích ngắm của các đối tượng khủng bố gồm ứng cử viên cánh hữu François Fillon - người đã có ảnh xuất hiện trong đoạn băng của một trong 2 đối tượng vừa bị bắt giữ tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron - ứng cử viên đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Cùng với lực lượng chống khủng bố Sentinelle, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu.

Bắt đầu từ 8 giờ tối nay (giờ ở Pháp), tất cả 11 ứng cử viên sẽ có 15 phút để trình bày lần cuối cùng trong chương trình phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình France 2. Như vậy các ứng cử viên sẽ không tham gia tranh luận trực tiếp như lần trước để tránh tình trạng tranh cãi khó kiểm soát. Mỗi người sẽ có 2,5 phút để trình bày về một chủ đề được lựa chọn và thời gian còn lại là để trả lời các câu hỏi của người dẫn chương trình.

Đây là dịp cuối cùng để cử tri theo dõi cụ thể hơn kế hoạch hành động của các cử trì và đưa ra quyết định bỏ phiếu cho ai. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, có tới 1/3 số cử tri Pháp chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào.

Trong hai lần bầu cử tổng thống trước, các hãng thăm dò dư luận đã dự đoán chính xác chiến thắng của ông Nicolas Sarkozy vào năm 2007 và của ông François Hollande vào năm 2012. Tuy nhiên nhiều bất ngờ đã xảy ra trong mấy tháng qua nên cuộc bầu cử lần này có thể còn diễn biến khó lường.

Chương trình hành động của 5 ứng cử viên dẫn đầu

Vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 23-4 với 11 ứng cử viên chính thức. Cho đến nay, 5 ứng cử viên gồm bà Marine Le Pen và các ông François Fillon, Jean-Luc Mélenchon, Emmanuel Macron, Benoît Hamon đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ, giữ khoảng cách rất xa so với những người còn lại. Sau đây là những nét chính trong chương trình tranh cử của 5 ứng cử viên này.

Từ trái sang: 5 ứng cử viên đang dẫn đầu gồm Benoît Hamon, Jean-Luc Mélenchon, Emmanuel Macron, François Fillon và Marine Le Pen.

CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ

1. François Fillon (63 tuổi, đảng cánh hữu Những người Cộng hòa): Hạn chế nhập cư, chỉ nhận theo khả năng của Pháp. Thắt chặt quy định đăng ký quốc tịch Pháp cho người nhập cư cũng như người thân và gia đình của họ. Chỉ hỗ trợ những người đã định cư thường xuyên tại Pháp ít nhất 2 năm, tăng cường kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp.

2. Jean-Luc Mélenchon (65 tuổi, đảng Nước Pháp bất khuất): Ủng hộ tiếp đón người nhập cư, xây dựng các trại tị nạn, giảm bớt các thủ tục cấp quốc tịch cho những người định cư tại Pháp lâu năm.

3. Emmanuel Macron (39 tuổi, phong trào nước Pháp tiến bước): Tiếp tục các chính sách hiện tại. Tiếp tục đón người tị nạn. Việc giải quyết hồ sơ cho những người tị nạn cần được rút xuống còn 6 tháng, và kiên quyết loại bỏ các hồ sơ giả. Triển khai chương trình bổ túc tiếng Pháp để những người định cư lâu năm có thể hòa nhập sau khi xin quốc tịch.

4. Marine Le Pen (48 tuổi, đảng cựu hữu Mặt trận quốc gia): Không ủng hộ nhập cư, giới hạn 10.000 người/năm, không cấp quốc tịch cho trẻ em nước ngoài sinh ra tại Pháp, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, không cấp quốc tịch cho những người nước ngoài.

5. Benoît Hamon (49 tuổi, đảng Xã hội): Tiếp tục chính sách cũ. Đề nghị chi 0,7% GDP để hỗ trợ kinh tế các nước Châu Phi và Địa Trung Hải nhằm hạn chế tị nạn kinh tế.

GIÁO DỤC

1. François Fillon: Ủng hộ chương trình khởi nghiệp, vừa làm vừa học cho các học sinh từ năm 15 tuổi. Đề xuất cho các thị trưởng từng vùng quyết định thời gian học trong tuần. Các trường sẽ được tự do hơn với vấn đề học phí, tuyển chọn học sinh; ủng hộ quy định học sinh mặc đồng phục tới hết trung học cơ sở; chú trọng hơn điểm trung bình mỗi học sinh, giảm tầm quan trọng của điểm thi tốt nghiệp (BAC)

2. Jean-Luc Mélenchon: Phản đối phân biệt xã hội trong trường học, miễn học phí, bắt đầu mẫu giáo từ năm 2 tuổi, tuyển dụng thêm 60.000 giáo viên.

3. Emmanuel Macron: Muốn các trường tập trung theo dõi từng học sinh hơn, có các chương trình phù hợp từng học sinh. Giảm nhẹ chương trình mẫu giáo và cấp 1, giảm số học sinh trong 1 lớp. Các trường đại học sẽ được tự do hơn về mặt tổ chức và trong quá trình tuyển chọn sinh viên.

4. Marine Le Pen: Đề ra chương trình học cơ bản, tập trung vào tiếng Pháp và mong muốn loại bỏ việc học một số ngoại ngữ. Tập chung hơn vào định hướng nghề nghiệp kể từ trung học cơ sở.

5. Benoît Hamon: Tăng cường đội ngũ giáo viên (+40.000), nhằm giảm số học sinh các lớp 1, 2, 3 trong mỗi lớp. Đưa ra mô hình hỗ trợ các sinh viên gặp khó khăn. Ngân sách giáo dục tăng 1 tỷ euro, ủng hộ đẩy mạnh các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.

MÔI TRƯỜNG

1. François Fillon: Tuy chủ trương đẩy mạnh năng lượng sạch, ông vẫn ủng hộ năng lượng nguyên tử với một số đề xuất hiện đại hóa các nhà máy điện nguyên tử. Muốn đóng của các nhà máy điện thải nhiều khí các-bon tại Pháp và áp dụng mức tối đa 30€/1 tấn các-bon.

2. Jean-Luc Mélenchon: Ủng hội các biện pháp bảo vệ môi trường và năng lượng sạch, quốc hữu hóa các công ty điện, dừng sản xuất điện nguyên tử, cấm một số loại năng lượng gây hại cho môi trường.

3. Emmanuel Macron: Đề ra biện pháp chuyển giao năng lượng. Giảm dần điện nguyên tử xuống 50%, đầu tư vào năng lương sạch, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện thải nhiều các-bon. Tăng thuế khi mua các loại xe gây ô nhiễm, cũng như tăng thuế xăng và dầu diesel.

4. Marine Le Pen: Không chú trọng nhiều về vấn đề môi trường. Cấm các nhà máy thải khí ô nhiễm để bảo vệ môi trường. Cắt khoản đầu tư cho năng lượng sạch (gió), ủng hộ điện nguyên tử.

5. Benoît Hamon: Quan tâm và đầu tư nhiều hơn về vấn đề môi trường: bảo vệ biển và loại bỏ ô nhiễm không khí. Loại bỏ diesel từ nay đến 2025 và năng lượng nguyên tử sau 25 năm, thay vào đó là năng lượng sạch.

AN NINH - QUỐC PHÒNG

1. François Fillon: Tăng cường ngân sách an ninh lên 2% GDP. Tuyển thêm 5.000 cảnh sát và xây thêm 16.000 chỗ nhà tù. Thêm 1 tỷ euro ngân sách trong 5 năm để tăng cường an ninh. Hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống 16 tuổi và tăng hình phạt đối với những người phạm tội.

2. Jean-Luc Mélenchon: Khôi phục sự độc lập về quân sự của Pháp, tăng cường an ninh quốc gia. Tuyển thêm cảnh sát và binh lính. Các biện pháp xử tội như cải tạo được đề ra nhằm hạn chế phạt tù.

3. Emmanuel Macron: Ngân sách 2% GDP, các biệt đội đặc biệt sẽ được triệu tập nếu cần thiết. Thêm 10.000 cảnh sát và các lực lượng an ninh tại địa phương. Thêm 15.000 chỗ nhà tù, tuy nhiên ủng hộ việc minh bạch hóa trong việc xét xử tù nhân.

4. Marine Le Pen: Cho rằng hiện nay luật pháp vẫn còn lỏng lẻo, phải tăng cường các biện pháp an ninh. Chi 2% GDP cho quốc phòng, tuyển thêm 50.000 binh lính, 15.000 cảnh sát, xây dựng thêm 40.000 chỗ cho nhà tù. Đề ra việc thành lập một đội quân bảo vệ an ninh đặc biệt.

5. Benoît Hamon: Tuyển thêm 5.000 cảnh sát, chú trọng hơn tới các cảnh sát khu vực. Xét xử cần nhanh và minh bạch hơn. Không muốn xây thêm chỗ nhà tù mà tìm các biện pháp khác.

THỜI GIAN LÀM VIỆC

1. François Fillon: Xóa bỏ quy định 35 tiếng/tuần, để từng công ty đàm phán và quyết định với người lao động. Quyền lợi của người lao động và công đoàn sẽ giảm đi. Thay vào đó, thuế doanh nghiệp sẽ được giảm đi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

2. Jean-Luc Mélenchon: Giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ, tăng lương tối thiểu +16%. Hạn chế các hợp đồng ngắn hạn, tăng các hợp đồng dài hạn, đề xuất Nhà nước tìm việc cho người thất nghiệp.

3. Emmanuel Macron: Giữ thời gian làm việc 35h/tuần như hiện tại. Tuy nhiên ủng hộ việc nhân viên và công ty có thể tự đàm phán theo nhu cầu của hai bên. Tăng lương cho những giờ làm quá thời gian quy định.

4. Marine Le Pen: Ủng hộ 35h/tuần, nhưng cho phép làm quá thời gian này với điều kiện tăng lương phù hợp. Đánh thuế cao với người nước ngoài làm việc tại Pháp.

5. Benoît Hamon: Muốn giảm giờ làm, tùy quyết định giữa từng công ty và người lao động. Tạo một quỹ hỗ trợ người thất nghiệp, tìm việc trong những giai đoạn kinh tế khó khăn.

BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. François Fillon: Tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi, tuy nhiên tăng lương hưu +10%. Trích một phần quỹ bảo hiểm để hỗ trợ những người thất nghiệp.

2. Jean-Luc Mélenchon: Giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 tuổi. Đề xuất bảo hiểm nghề nghiệp nhằm bảo đảm thu nhập khi thất nghiệp, trợ cấp cho những người 18-25 tuổi không có việc làm, trợ cấp cho người nghèo.

3. Emmanuel Macron: Không thay đổi, giữ quy định nghỉ hưu là 62 tuổi. Bảo hiểm thất nghiệp trở nên bắt buộc, đảm bảo lương khi thất nghiệp, tuy nhiên sẽ cắt sau 2 lần từ chối công việc phù hợp. Một số chi phí sức khỏe (kính mắt, răng giả) cần được bảo hiểm trả 100%.

4. Marine Le Pen: Bảo đảm bảo hiểm xã hội cho người dân Pháp, nhưng giảm trợ cấp cho người nước ngoài. Giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 tuổi, hỗ trợ người nghèo…

5. Benoît Hamon: Đề xuất mức lương phổ cập cho tất cả mọi người (750€/ tháng) ; khoản này sẽ được thêm vào lương cơ bản của từng người. Lương hưu sẽ được tăng 10%, ngoài ra còn xem xét đặc thù công việc và có thể tăng lương hưu cho những người làm công việc nặng nhọc.

THUẾ

1. François Fillon: Giảm thuế doanh nghiệp xuống 25%. Thuế tài sản cá nhân và thuế giá trị gia tăng sẽ tăng 2%.

2. Jean-Luc Mélenchon: Thay đổi mức thuế. Đánh thuế cao với người giàu, 100% với các thu nhập trên 400.000 euro; tăng thuế tài sản cá nhân và tài sản thừa kế, không được thừa kế quá 33 triệu euro, đánh thuế người Pháp làm việc ở nước ngoài, thuế VAT cao với những món đồ đắt tiền.

3. Emmanuel Macron: Thuế không được làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân nhằm thúc đẩy đầu tư. Giảm thuế tài sản. Giữ nguyên thuế giá trị gia tăng. Tăng thuế bảo hiểm xã hội.

4. Marine Le Pen: Giảm thuế cho người dân, tuy nhiên giữ nguyên mức thuế cho những người giàu. Ủng hộ giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

5. Benoît Hamon: Ủng hộ thu thuế trực tiếp từ nguồn thu nhập và tăng thuế với tài sản thừa kế. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề quan trọng hiện tại là chống trốn thuế, phải tìm ra và đánh thuế các doanh nghiệp lớn trốn thuế. Đề xuất thuế mới với các rô-bốt tự động và các giao dịch tài chính.

ĐỐI NGOẠI

1. François Fillon: Ủng hộ loại bỏ lệnh trừng phạt với Nga. Đàm phán, giải quyết vấn đề tại Syria. Trao đổi quốc tế để giải quyết vấn nạn định cư bất hợp pháp.

2. Jean-Luc Mélenchon: Đề nghị ra khỏi NATO, quỹ tài chính quốc tế FMI và ngân hàng quốc tế World Bank, duy trì sự tham gia vào Liên hợp quốc, trong vấn đề môi trường, nhập cư và phát triển, muốn tạo một liên minh quốc tế. Công nhận Nhà nước Palestine và đàm phán với Nga.

3. Emmanuel Macron: Cần ở lại trong NATO, nhưng không muốn kết nạp thêm các nước thành viên mới. Muốn tăng cường Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với những quốc gia mới. Không công nhận Palestine nếu quốc gia này không ký hợp ước hòa bình với Israel, không chấp nhận Thổ Nhi Kỳ gia nhập EU, đàm phán với Nga khi nước này tôn trọng hiệp ước ký với Ukraina tại Minsk.

4. Marine Le Pen: Muốn Pháp ra khỏi NATO, lập một liên minh mới với các nước nói tiếng Pháp. Ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Nga.

5. Benoît Hamon: Ủng hộ Liên hợp quốc, không ủng hộ chính sách đơn phương hành động của Nga, Mỹ hay Trung Quốc. Ủng hộ cam kết hành động COP 21, thành lập một tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường biển, không khí, sinh vật... Ủng hộ các nước thành viên nói tiếng pháp và công nhận Nhà nước Palestine.

CHÂU ÂU

1. François Fillon: Ủng hộ cộng đồng chung châu Âu, tuy nhiên không mong muốn kết nạp thêm các nước thành viên khác. Muốn châu Âu bảo vệ nền kinh tế của mình, không ủng hộ Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TAFTA), và ít phụ thuộc hơn vào Quỹ Tiền tệ quốc tế.

2. Jean-Luc Mélenchon: Pháp cần tách khỏi nếu EU không thay đối tích cựu. Đàm phán lại các hiệp định với EU. Sẽ có khả năng trưng cầu dân ý để rời khỏi EU.

3. Emmanuel Macron: Cộng đồng châu Âu là tất yếu. Tuy nhiên, một số vấn đề như an toàn biên giới, an ninh châu Âu, ngân sách và Nghị viên châu Âu, luật pháp cần xem xét lại. Ủng hộ hiệp định thương mại tự do EU-Canada (CETA).

4. Marine Le Pen: Đàm phán lại các hiệp định EU. Có khả năng ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý. Phản đối tất cả các hiệp định tự do trao đổi, ra khỏi Schengen và quay lại với đồng Franc, tuy nhiên vẫn cho lưu hành đồng euro.

5. Benoît Hamon: Đàm phán lại hiệp định EU, tuy nhiên dân chủ hơn: không chỉ đơn thuần là cuộc gặp giữa các bộ trưởng mà là ý kiến của tập hợp các nghị sĩ EU. Xây dựng phương án về thuế và đầu tư khoảng 1.000 tỷ euro để thúc đẩy kinh tế khu vực.

CHỐNG KHỦNG BỐ

1. François Fillon: Tăng cường nhân lực và các biện pháp chống khủng bố. Tước quốc tịch Pháp và cấm nhập cảnh những người tham chiến cho nước khác. Cấm tụ tập đối với một số tổ chức cực đoan ảnh hưởng trật tự công cộng và an ninh quốc gia.

2. Jean-Luc Mélenchon: Đề ra một liên minh chống khủng bố tại Iraq và Syriea. Xem xét lại luật chống khủng bố, không ủng hộ kéo dài tình trạng khẩn cấp. Truy tìm và ngăn chặn các hoạt động tài trợ cho khủng bố.

3. Emmanuel Macron: Cho rằng chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ sự phân biệt, đối xử và nước Pháp thiếu các biện pháp linh hoạt để xử lý. Tăng cường kiểm soát biên giới.

4. Marine Le Pen: Bắt những người Pháp có liên quan đến các tổ chức khủng bố. Tước quốc tịch Pháp đối với những người có hai quốc tịch liên quan đến hoạt động khủng bố.

5. Benoît Hamon: Tăng cường, huy động lực lượng đề phòng khủng bố và tước quốc tịch Pháp của những người tham gia các hoạt động khủng bố.

 

Theo nhandan.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13529 Tổng lượt truy cập 91509541