Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giá rét

Những ngày này, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh xuống thấp, rét đậm kèm theo mưa gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, ngành chức năng, các địa phương và người dân chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi và cây trồng.

Ông Hà Văn Trình, thôn Nản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, dùng bạt quây xung quanh chuồng chống rét cho đàn bò.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tại Quảng Ninh, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên gió Bắc đến Đông Bắc trên đất liền cấp 3-4, vùng ven biển cấp 3-4, có lúc cấp 5, giật cấp 6, sóng cấp 2-3; vùng biển ngoài khơi cấp 4-5, giật cấp 6-7, sóng cấp 3-4, biển động. Toàn tỉnh có mưa, mưa nhỏ. Trời rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này khu vực miền Đông từ 6-9 độ C, các khu vực khác 8-11 độ C, vùng núi cao Yên Tử và một số đỉnh núi cao ở Bình Liêu có khả năng xuống dưới 5 độ C và có thể xảy ra băng giá. Trời rét đậm, rét hại ảnh hưởng xấu đến vật nuôi, cây trồng. Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường chỉ đạo, triển khai biện pháp ứng phó.

Huyện Bình Liêu có nhiều khu vực là vùng núi cao, nhiệt độ thường thấp hơn so với các địa phương khác. Ngay khi có những thông tin dự báo thời tiết bất lợi, công tác chống rét cho cây trồng, vật nuôi được các đơn vị chuyên môn và người dân trên địa bàn tập trung thực hiện. Bà Lê Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: “Trong những ngày này, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra tình hình phòng chống rét; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa đông. Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục theo sát tình hình thời tiết để có các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi kịp thời khi có rét đậm, rét hại…”

Chủ động bảo vệ đàn trâu của gia đình, ngay khi có thông tin sắp có đợt rét đậm, gia đình ông Hà Văn Trình, thôn Nản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, đã dùng bạt quây xung quanh chuồng nhằm tránh gió lùa và tăng cường bổ sung nguồn thức ăn dự trữ cho đàn bò của gia đình. “Trong những ngày nền nhiệt xuống thấp, rét hại, ngoài việc tăng lượng thức ăn cho đàn bò, tôi còn đốt củi để sưởi ấm khu vực chuồng trại, giúp vật nuôi tránh rét” - ông Trình chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Hồng Ánh, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), trước khi bước vào chăn nuôi vụ đông, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là trong những ngày rét đậm, rét hại, Chi cục đều có hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi tập trung cải tạo, che chắn chuồng trại để đảm bảo kín gió, tránh mưa tạt, giữ nền chuồng luôn khô ráo sạch sẽ; sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò già, yếu; gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để phòng chống rét và dịch bệnh...

Trong trồng trọt để đảm bảo các điều kiện chống rét trên cây trồng, thời điểm này bà con nông dân đang tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khoẻ mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Đối với cây giống lâm nghiệp trong vườn ươm cần có các biện pháp che chắn chống rét cho cây khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, hằng ngày vào sáng sớm và chiều tối tưới nước giữ ẩm cho cây. Các đơn vị, địa phương chủ động tích nước các hồ chứa, sửa chữa các trạm bơm, máy bơm và nạo vét kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Hộ nuôi tôm tại Tiên Yên kiểm tra môi trường nước nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại.

Đối với nuôi trồng thủy sản, người nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các hình thức tăng nhiệt độ phù hợp cho sinh trưởng của thủy sản nuôi và làm giống; giữ mực nước ao nuôi từ 1,5-2m; thực hiện che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon màu sáng hoặc thả bèo tây. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo đối với các lồng, bè nuôi thủy sản có thể dùng nilon phủ kín mặt lồng nuôi hoặc thả sâu lồng nuôi so với mặt biển từ 1,8-2m; sử dụng thức ăn phù hợp, bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng, khi nhiệt độ nước xuống thấp cần hạn chế cho ăn, tranh thủ cho ăn vào những ngày nắng ấm. Đồng thời, các hộ nuôi thường xuyên theo dõi chất lượng môi trường nước, giữ môi trường nuôi sạch để phòng tránh dịch bệnh.

Đặc biệt trước diễn biến bất lợi của đợt rét đậm, rét hại lần này, Sở NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện một số nội dung. Trong đó, yêu cầu UBND cấp xã rà soát lại các chuồng trại nuôi nhốt trâu bò, vận động các hộ chưa có chuồng nuôi nhốt tại một số thôn bản miền núi khẩn trương chuẩn bị chuồng trại để đuổi trâu, bò về nuôi nhốt chăm sóc trong các ngày giá rét. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi dùng bạt, phên tre, nứa, cỏ tranh che chắn kỹ chuồng trại, tránh mưa hắt, gió lùa, thường xuyên dọn chất thải, giữ nền chuồng luôn sạch, khô ráo. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 12 độ C không chăn thả, làm việc, thực hiện nuôi nhốt và chăm sóc tại chuồng nuôi; giữ ấm cho trâu bò, áp dụng các biện pháp sưởi ấm phù hợp với điều kiện của từng hộ nuôi.

Vận động người chăn nuôi chủ động thu gom, dự trữ thức ăn như: Rơm, rạ, thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang... để dự trữ làm thức ăn cho gia súc phòng những ngày rét đậm, rét hại đột ngột gia súc không chăn thả được; nguồn thức ăn xanh cần cung cấp tối thiểu từ 25-30kg thức ăn thô xanh/con/ngày. Ngoài ra cần bổ sung cho trâu bò ăn thêm thức ăn tinh (bột ngô, cám gạo…) với mức 1-1,5 kg/con/ngày vào những ngày nhiệt độ xuống thấp để tăng cường sức đề kháng. Chú ý cho trâu, bò uống nước ấm có pha muối với mức 15-20 gam muối/con/ngày. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò, nếu phát hiện gia súc có biểu hiện khác thường, báo ngay cho cán bộ thú y để tiến hành xử lý kịp thời. Đồng thời, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, dịch bệnh để chủ động tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói rét cho vật nuôi để kịp thời ứng phó với những thay đổi bất thường của thời tiết.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương nhanh chóng thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng chống rét tại các địa phương và báo cáo tình hình thực hiện, số liệu bị thiệt hại do đói rét, dịch bệnh (nếu có) về Sở NN&PTNT để phối hợp xử lý kịp thời.

Theo Nguyễn Thanh/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 28055 Tổng lượt truy cập 91902112