Bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trong thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021

Thời gian qua, tại nhiều địa phương xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, nguyên nhân xuất phát từ việc thắp hương, đốt vàng mã. Điển hình là vụ cháy thương tâm làm bốn người tử vong xảy ra vào ngày 4-2 (ngày 23-12 âm lịch) tại ngõ 123, phố Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Phong tục thờ cúng tổ tiên là một truyền thống văn hóa tâm linh có từ lâu đời của người Việt, cùng với đó là việc thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày Tết cổ truyền hay các lễ hội đầu xuân. Tuy nhiên, chỉ cần một chút lơ là, thiếu ý thức là có thể dẫn đến cháy, gây hậu quả khó lường, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ngược lại, nếu mọi người cảnh giác, có kiến thức và tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ hạn chế thấp nhất các nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra.

Công an thành phố Uông Bí tăng cường kiểm tra PCCC dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.

Trước, trong và sau Tết hay ở những lễ hội đầu xuân là thời điểm việc thắp hương, nến, đốt vàng mã của người dân tăng cao. Để giảm thiểu nguy cơ cháy do thắp hương, nến và hóa vàng, Công an thành phố Uông Bí khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy như: Trong quá trình thắp hương phải tổ chức trông coi cẩn thận; phải bố trí nơi thắp hương thờ cúng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; hạn chế để nhiều vật liệu dễ cháy trên ban thờ và sử dụng nến trong thờ cúng; không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có kích thước lớn; không đốt vàng mã ở những nơi cấm như trong chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, nơi có vật liệu dễ cháy, ... luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan; đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), lư đồng, bê tông, nhà xây bằng gạch... có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết sau đó dùng nước vẩy lên tro. Các thiết bị điện được bố trí tại nơi thờ cúng cần đảm bảo an toàn PCCC, có thiết bị đóng ngắt để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy. Người dân cần trang bị phương tiện PCCC như bình chữa cháy, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc để sử dụng khi có sự cố cháy xảy ra; tìm hiểu kiến thức PCCC, cách sử dụng phương tiện chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có tình huống cháy.

Đốt vàng mã tại chùa. Ảnh minh họa

Các cơ sở tôn giáo cần tăng cường kiểm tra, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ, bố trí người canh gác để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố cháy; đồng thời tuyên truyền cho nhân dân, du khách đến tham quan, vãn cảnh thực hiện các yêu cầu về PCCC.

Theo khảo sát của Công an thành phố, trên địa bàn còn có nhiều ngõ nhỏ, hẻm sâu, hệ thống dây dẫn điện chằng chịt, gây hạn chế di chuyển cho các xe chữa cháy. Khi có cháy xảy ra, nguồn nước chữa cháy tại chỗ không có, việc tiếp cận và triển khai chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, làm gia tăng đáng kể thiệt hại về người và tài sản. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu về PCCC nói chung, Công an thành phố khuyến cáo mỗi gia đình ở khu vực này cần trang bị ít nhất một bình chữa cháy, búa tạ, xà beng, kìm cộng lực, thang dây, dây thoát hiểm, mặt nạ thoát hiểm để sử dụng khi cần thiết.

Tùng Lâm - Trần Phương (Công an thành phố Uông Bí)

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26731 Tổng lượt truy cập 91953782